‘Dự án ma’: Sớm tố giác, đỡ thiệt hại
Với chiêu trò “cổ điển”, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng kinh doanh Lộc Phúc đã lừa khách tại TP.HCM, Đồng Nai mua “đất nền” ở dự án được “vẽ” (xã An Viễn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá vụ này từ thông tin tố giác của khách hàng.
Mong việc của chúng tôi cũng sớm được xử lý
Chị Nguyễn Thị Hương (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cùng một số khách hàng tại TP.HCM gửi đơn tố giác ông Trần Văn Dũng (giám đốc Công ty cổ phần TP Holding có trụ sở ở đường Trần Não, TP Thủ Đức) đến Công an TP.HCM về việc bán đất “dự án ma” có tên “Khu đô thị Seaway Bình Châu” (xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, Bình Thuận).
Dự án này được Công ty TP Holding công bố là nhà phát triển, phân phối theo ủy quyền từ Công ty TNHH TM-DV Kim Tơ (trụ sở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Vào năm 2019, chị Hương cùng nhiều khách hàng ký hợp đồng đặt cọc mua nền dự án từ Công ty TP Holding và chuyển tiền theo tiến độ cho công ty này. Theo cam kết, đến cuối năm 2019 sẽ có nền. Tuy nhiên đến nay chị Hương cùng nhiều khách hàng vẫn chưa được nhận nền và cũng chưa được trả lại tiền.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo huyện Hàm Tân cho hay đến nay trên địa bàn huyện hoàn toàn không có dự án “Khu đô thị Seaway Bình Châu”. Còn vị trí được cho là của dự án này thì Công ty Kim Tơ có xin thực hiện dự án khu nhà ở phân lô xã Thắng Hải.
“Chúng tôi mua nền từ công ty TP Holding. Công ty này nói chờ Công ty Kim Tơ trả tiền thì mới trả lại cho khách hàng. Chúng tôi từng có đơn tố giác giám đốc Công ty Kim Tơ đến Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng tin tố giác đã có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vào tháng 4-2023”, chị Hương nói.
Vừa mới đây, chị Hương đã nhận được phiếu chuyển đơn tố giác cho Công an TP.HCM của Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (ngày 25-8-2023) và Công an tỉnh Bình Thuận (ngày 2-8-2023). Chị bày tỏ: “Mong rằng vụ việc tố giác của chúng tôi cũng được cơ quan công an xử lý quyết liệt như vụ ở Đồng Nai”.
Tương tự, bà L.T.V.H. (ngụ huyện Bình Chánh) cùng nhiều khách hàng cũng mong chờ Công an TP.HCM xử lý sau khi nhận đơn tố giác giám đốc Công ty TNHH TM-DV-BĐS An Lạc Tân có hành vi nhận tiền hứa bán nền dự án khu dân cư Tân Túc (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh). Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo địa phương khẳng định không có dự án như trên tại địa bàn.
Cần mạnh dạn tố giác vi phạm
Hàng nghìn người dân đã chịu cảnh thiệt thòi, khốn đốn khi bị dẫn dụ mua “dự án ma” được “vẽ” trên đất nông nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Đã có những vụ án khi cơ quan công an triệt phá thì các chủ mưu đã kịp chiếm đoạt hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng của hàng nghìn người. Điển hình như vụ Alibaba (hơn 4.500 bị hại), vụ Công ty Angel Lina (hơn 400 bị hại).
Là một khách hàng từng bị “lùa” từ TP.HCM xuống xã An Viễn (huyện Trảng Bom) để mua nền tại “dự án ma” (thời điểm 2019) có tên thương mại “Khu dân cư Golden Center”, chị N.T.H.Yến (ngụ huyện Nhà Bè) kể chuyện đi tố giác Công ty TNHH ĐT-KD BĐS Khang Thịnh Phát (trụ sở quận Bình Thạnh), rồi được công ty này trả lại tiền.
Để bảo vệ quyền lợi bản thân, luật sư Vũ Quang Đức – Đoàn luật sư TP.HCM – khuyên người dân cần phải mạnh dạn và sớm tố giác hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật đến cơ quan công an để được xử lý kịp thời.
Theo luật sư Đức, tố giác hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật là nghĩa vụ của mỗi người dân. “Tố giác của người dân là nguồn tin quý giá để cơ quan công an đấu tranh với tội phạm, bảo vệ quyền lợi cho cá nhân, cho tổ chức. Đồng thời về phía cơ quan công an cũng phải kịp thời vào cuộc khi nhận tin tố giác…”, ông Đức nói.
Bắt ông trùm đứng sau công ty vẽ “dự án ma”
Ngày 9-9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt khẩn cấp Huỳnh Hữu Tường (32 tuổi, ngụ TP.HCM) để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tường được xác định là ông chủ thực sự của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng kinh doanh Lộc Phúc (trụ sở tại TP.HCM). Dù là người điều hành công ty nhưng Tường đã thuê Nguyễn Văn An (27 tuổi, quê Tây Ninh) làm tổng giám đốc công ty.
Ngày 31-8, Công ty Lộc Phúc mở sàn giao dịch tại một “dự án ma” ở xã An Viễn, huyện Trảng Bom. Công an tỉnh Đồng Nai điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ập vào bắt quả tang.
122 nhân viên, 20 người được thuê đóng giả khách hàng bị bắt giữ. Bước đầu, Công an tỉnh Đồng Nai xác định Công ty Lộc Phúc thuê hàng trăm sinh viên làm nhân viên, thuê người có diễn xuất làm “chân gỗ” tham gia đường dây lừa đảo.
Nhiều khách hàng có nhu cầu mua đất tại TP.HCM bị công ty “lùa” lên xe, chở thẳng đến các “dự án ma” ở Đồng Nai xem đất. Tại đây, nhóm lừa đảo này dùng các chiêu trò, thủ đoạn thao túng tâm lý bắt ép khách hàng đặt cọc tiền.
Cũng theo Công an tỉnh Đồng Nai, đến nay có khoảng 60 nạn nhân là khách hàng của Công ty Lộc Phúc đã đến cơ quan công an tố cáo hành vi lừa đảo của doanh nghiệp này. Tổng số tiền giao dịch mua đất ảo lên đến hơn 70 tỉ đồng.