Đòi hỏi của tháng bảy âm lịch
Niềm tin dân gian cho rằng tháng bảy thường đi kèm với những chuyện không may. Và một sự kiện không may của tuần rồi – tuần đầu tháng bảy âm lịch – lại dung chứa một câu chuyện đẹp, thật đẹp, thật rung động đến mức có thể cứu vớt và thay đổi cả quan niệm về tháng bảy.
Tai nạn giao thông trên làn xe ô tô của cầu Phú Mỹ. Một xe tải mất thắng, hàng loạt xe bị đâm xô vào nhau, vò nát, kẹt dính, bốc cháy. Mấy kilômet đường kẹt xe mấy tiếng đồng hồ. Không có thương vong là một may mắn lớn, nhưng hóa ra may mắn lớn hơn nữa trong mắt của những người quan sát lại là đoạn video clip chỉ chưa đầy một phút ghi lại cảnh những người đàn ông đi đường hợp sức cứu được người cuối cùng – anh tài xế mắc kẹt trong chiếc ô tô bẹp dúm.
Như một cảnh phim hành động, họ vừa an toàn nhảy được xuống mặt đường thì ngọn lửa bùng lên.
Sự kiện bất ngờ, hành động không dự định, không tổ chức, thước phim không dự kiến nhưng lại đủ để mang lại cho người xem cả phút nghẹt thở lẫn khoảnh khắc vỡ òa. Đoạn phim mau chóng lan tỏa làm rung động lòng người xem, đánh thức bao nhiêu cảm xúc.
Hóa ra trong họa quả là luôn có phúc. Hóa ra những người bình thường lại vẫn luôn có thể trở thành người hùng. Hóa ra sức mạnh tiềm tàng trong mỗi người sẽ bật dậy và nhân lên nhiều lần khi hành động vì người khác.
Người ta nhớ lại anh thanh niên đã treo mình trên bức tường ngôi nhà đang cháy, nện những nhát búa tạ để phá tường cứu người; nhớ lại anh thanh niên nhảy phắt qua tường rào, lao như tên bắn để đỡ em bé rơi xuống từ lầu cao; nhớ lại anh thanh niên đang đi đường thì quăng xe lao xuống sông cứu người đuối nước…
Khi được tôn vinh, những người ấy đều bảo: đừng gọi tôi là người hùng, ai trong cảnh ấy cũng sẽ làm như thế.
Nhiệm vụ của xã hội là vẫn phải tôn vinh họ, nhưng những người hùng ấy mới đúng: điều tốt hơn và quan trọng hơn là cuộc đời này cần phải diễn tiến thật đẹp để trong những nguy nan “ai cũng sẽ làm như thế”, ai cũng sẽ được cứu giúp.
Tìm đọc những lời tán thán trong sự cảm phục mà rất nhiều người đã viết sau khi xem đoạn phim, có thể đếm được rất nhiều câu tự hỏi: “Nếu gặp trường hợp như vậy, mình có làm được như thế không?”.
Những người hùng của chúng ta đã đứng lên trả lời giúp: Được. Họ là một anh công nhân công trình, một anh công nhân xí nghiệp, một anh tài xế công nghệ… rất bình thường và đã hợp sức mà làm được điều phi thường: cứu được một người trong khoảnh khắc lửa cháy sinh tử.
“Cứu một người hơn xây bảy tháp phù đồ” – lời Phật dạy là như vậy. Tháng bảy âm lịch này nhiều người biện lễ cúng cô hồn uổng tử, nhiều người bố thí phóng sanh, nhiều người cầu an, nhiều người tạo phước, và câu chuyện đẹp đã cứu chuộc cả một vụ tai nạn lớn kia nhắc cho chúng ta nhớ rằng tất cả những việc ấy đều có một mục đích là hướng tới tha nhân.
Hướng tới tha nhân trong cuộc đời thật – những người sống thật xung quanh chúng ta, và để được vậy, ngoài một tấm lòng còn cần có sức khỏe và kỹ năng, hiểu biết và tri thức, thực lực và tài lực… Tháng bảy đòi hỏi ta phải sống tốt hơn trước hết chính cuộc đời mình.
Xem bài gốc ở đây