Định vị lại không gian thương mại – dịch vụ TP HCM

Ngày 11-7, dưới sự chỉ đạo của UBND TP HCM, Sở Công Thương TP HCM phối hợp cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm “Không gian phát triển TP HCM – Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ”, nhằm tìm giải pháp mang tính đột phá, cách mạng để xác lập chiến lược phát triển bền vững ngành thương mại – dịch vụ trong bối cảnh TP HCM vừa mở rộng địa giới hành chính.
Không gian phát triển chưa từng có
Phát biểu mở đầu tọa đàm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết việc sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu từ ngày 1-7 đã mở ra một không gian phát triển chưa từng có trong lịch sử đô thị Việt Nam. TP HCM mới không chỉ là một siêu đô thị với quy mô dân số khoảng 14 triệu người, diện tích hơn 6.700 km² mà còn trở thành vùng kinh tế tổng hợp, sở hữu hệ sinh thái thương mại, sản xuất, logistics đa dạng và năng động bậc nhất cả nước.
TP HCM mới đóng góp 23,5% GDP cả nước, giữ vai trò đầu tàu tiêu dùng với tổng mức bán lẻ hơn 1,2 triệu tỉ đồng nhưng thành phố vẫn đang đối mặt nhiều điểm nghẽn, như: chuỗi cung ứng phân mảnh, hệ thống phân phối thiếu liên kết, hạ tầng thương mại chưa đồng bộ và năng lực logistics còn hạn chế. Đặc biệt, thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng lại chưa gắn kết chặt chẽ với sản xuất, logistics và phân phối truyền thống, gây ra nhiều nút thắt trong dòng chảy hàng hóa.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, phân tích không gian mới sau sáp nhập giúp TP HCM trở thành một siêu đô thị đa cực, kết hợp giữa trung tâm hành chính – tài chính – tiêu dùng truyền thống với vùng công nghiệp – logistics – cảng biển năng động. Với quy mô GRDP hơn 3 triệu tỉ đồng (tương đương 120 tỉ USD), TP HCM hiện có thể sánh về tiềm lực với các đô thị lớn như Thượng Hải, Singapore hay Bangkok.
Theo chuyên gia này, TP HCM hiện hội đủ điều kiện để trở thành trung tâm mua sắm – tiêu dùng hàng đầu Đông Á nhờ có sức mua nội địa khổng lồ, được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu và cận trung lưu gia tăng nhanh, dân số trẻ và lượng lớn người nhập cư. Việc gia tăng mạnh mẽ dân số, thu nhập và mức sống sau sáp nhập càng làm tăng đáng kể sức mua và năng lực tiêu dùng của thành phố. “TP HCM sau sáp nhập có đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm tiêu dùng và dịch vụ đa dạng nhất Việt Nam, vừa là đầu mối phân phối vừa là nơi dẫn dắt thị hiếu tiêu dùng cả nước” – TS Anh Tuấn nhấn mạnh.
Cùng quan điểm về tiềm năng kinh tế, ông Lê Hoàng Long, Giám đốc khối bán lẻ Công ty NielsenIQ Việt Nam, cho biết sức mua của TP HCM vốn đã cao hơn Hà Nội, nay lại được bổ sung thêm Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, khiến quy mô tiêu dùng càng vượt trội. Tuy nhiên, ông Long lưu ý cần chú trọng đến sự khác biệt về thói quen tiêu dùng giữa các khu vực, tránh dàn trải đầu tư, đồng thời phải quan tâm đến đặc thù địa phương và xu hướng phân hóa tiêu dùng.
Bà Trần Mộng Tuyền, quản lý dự án cấp cao của Informa Markets, cũng nhận định TP HCM có tiềm lực để phát triển ngành triển lãm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy thương mại, tiêu dùng và quảng bá sản phẩm. Song, bà chỉ ra hiện nay thành phố còn thiếu không gian tổ chức triển lãm đạt chuẩn quốc tế, thiếu liên kết và chưa được đầu tư một cách đồng bộ.
Một góc cảng Cái Mép – Thị Vải thuộc TP HCM mới. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Giải bài toán logistics
Để giải những bài toán đó, ông Trương Tấn Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP HCM, cho rằng TP HCM cần tư duy như một khu thương mại tự do kiểu Hồng Kông (Trung Quốc), nơi hàng hóa được lưu chuyển thông suốt, thông quan nhanh chóng nhờ công nghệ số và kết nối đồng bộ.
Theo ông Lộc, hệ thống cảng biển ở TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu cần được quy hoạch lại như một cụm cảng trung chuyển quốc tế duy nhất. “Phải nghĩ đến việc tích hợp cảng Cái Mép – Thị Vải với các cảng ở TP HCM và Bình Dương để tạo sức mạnh tổng hợp. Đồng thời, tận dụng tiềm năng sông Sài Gòn, sông Đồng Nai để giảm tải cho đường bộ” – ông Lộc nêu quan điểm.
Ông Lê Kim Cương, Tổng Giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn, nêu thực tế chi phí logistics của TP HCM hiện nay còn cao do quá lệ thuộc vào vận tải đường bộ. “Container từ cảng Cái Mép về các ICD (cảng khô) phía sau mất 5-7 ngày là không chấp nhận được” – ông Cương nói và đề nghị thành phố cần rà soát quy hoạch cảng cạn, ưu tiên phát triển vận tải sà lan – một phương thức rẻ và hiệu quả. Ngoài ra, thành phố cần chính sách giá đất, thuế ưu đãi cho các ICD, kho bãi ven sông. Đồng thời, nên có ưu đãi phí hạ tầng cho container đi bằng đường thủy, thay vì thu ngang bằng đường bộ. “Một sà lan chở 200 TEU, chi phí thấp hơn, giảm tắc đường, giảm phát thải CO2” – ông Cương dẫn chứng.
Một nút thắt khác cần được tháo gỡ, theo đề xuất của các doanh nghiệp (DN), là thủ tục hành chính. Đại diện các hiệp hội logistics đề nghị số hóa mạnh hơn các thủ tục hải quan, liên thông dữ liệu giữa các cảng, ICD và hệ thống giao nhận để rút ngắn thời gian và chi phí. Bà Huỳnh Đinh Thái Linh – CEO WTC Bình Dương, Chủ tịch HH Logistics Bình Dương – cho rằng để giảm chi phí đưa hàng từ nhà máy ra cảng, cần cải thiện kết nối đường thủy và mở rộng cụm cảng, đặc biệt tại Cái Mép – Thị Vải. “Với các nhà đầu tư FDI, logistics không chỉ là chi phí mà còn là yếu tố quyết định đến việc lựa chọn điểm đến đầu tư” – bà Thái Linh bày tỏ.
Theo ông Cao Hồng Phong, Chủ tịch Hiệp hội Logistics và Cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, không gian mới của TP HCM sau sáp nhập có thể phân vùng logistics rõ ràng: khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu chuyên về xuất khẩu; TP HCM và Bình Dương lo về logistics nội địa và bán lẻ. “Chúng tôi mong muốn TP HCM tổ chức các hội thảo chuyên sâu về logistics để từ đó xây dựng chiến lược cụ thể cho từng khu vực” – ông Phong đề nghị.
Phát triển kênh phân phối thương mại điện tử
Không chỉ là đầu tàu tiêu dùng, TP HCM mới được kỳ vọng trở thành trung tâm thương mại điện tử (TMĐT) của cả nước. Hướng đến mục tiêu này, ông Trần Quốc Bảo, thành viên HĐQT Tập đoàn Kido, đề xuất giảm phí sàn để DN có thêm nguồn lực tái đầu tư, đồng thời chuyển các hoạt động của hiệp hội ngành hàng sang môi trường số và thiết lập kênh TMĐT riêng cho hàng Việt.
Ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc đối ngoại Shopee Việt Nam, cho rằng nên truyền thông rõ lợi ích TMĐT cho tiểu thương, DN nhỏ và vừa, đi kèm đào tạo “cầm tay chỉ việc”. Khi chuyển đổi số thành công, DN không chỉ bán tại TP HCM mà còn vươn ra toàn quốc và quốc tế.
Xem bài gốc ở đây