Điều tra tài nguyên du lịch trên quy mô cả nước
Lần đầu tiên Bộ VH-TT-DL triển khai điều tra tài nguyên du lịch trên quy mô cả nước. Chương trình nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Du lịch, đồng thời hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên đầy đủ phục vụ cho công tác quản lý, lập quy hoạch, thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch.
Hội nghị hướng dẫn điều tra tài nguyên du lịch do Bộ VH-TT-DL tổ chức tại TP.Vũng Tàu đầu tháng 11. |
Thống nhất cơ sở dữ liệu tài nguyên từ Trung ương đến địa phương
Việt Nam có nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa đa dạng và hấp dẫn với các danh lam thắng cảnh, di tích và văn hóa lễ hội dày đặc. Cả nước có hơn 40.000 di tích và gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó có 32 di sản được UNESCO ghi danh; 128 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng, 3.621 di tích quốc gia, 11.232 di tích cấp tỉnh, 534 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn sở hữu bờ biển dài 3.260 km với 125 bãi tắm biển, 7.966 lễ hội, 34 vườn quốc gia và gần 1.000 hang động, công viên địa chất, khu dự trữ sinh quyển… Theo Bộ VH-TT-DL, dù nguồn tài nguyên phong phú, nhưng đến nay chưa được khảo sát, điều tra, đánh giá phân loại, hệ thống hóa một cách bài bản, thống nhất, đầy đủ.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ An Phong cho biết, Luật Du lịch năm 2017 đã quy định chi tiết về công tác điều tra tài nguyên du lịch. Do đó, cần triển khai toàn diện, bài bản và chi tiết đến từng địa bàn. Bộ VH-TT-DL đặt mục tiêu, kết quả điều tra sẽ số hóa trở thành cơ sở dữ liệu chi tiết và đa chiều về tài nguyên du lịch, phục vụ lập quy hoạch, khai thác và quản lý tài nguyên lâu dài phù hợp với Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giúp công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương thống nhất hiệu quả và bền vững.
Tổng điểm đánh giá tối đa theo thang điểm 100, trong đó: Điểm đánh giá tối đa về mức độ hấp dẫn của tài nguyên du lịch (30 điểm); Điểm đánh giá tối đa về giá trị tài nguyên du lịch (10 điểm); Điểm đánh giá tối đa về sức chứa tài nguyên du lịch (10 điểm); Điểm đánh giá tối đa về phạm vi của tài nguyên du lịch (10 điểm); Điểm đánh giá tối đa về khả năng khai thác phục vụ phát triển du lịch của tài nguyên du lịch (40 điểm). Căn cứ theo số điểm, tài nguyên du lịch được xếp thành 4 hạng. Hạng 1 (tài nguyên du lịch được đánh giá rất cao, đặc biệt hấp dẫn, có các điều kiện khai thác và phát triển tối ưu) có số điểm từ 75 – 100 điểm. Hạng 2 (đạt từ 50 – 75 điểm), tài nguyên du lịch được đánh giá cao, có mức độ hẫn dẫn cao và điều kiện khai thác tốt. Hạng 3 (đạt từ 25 – 50 điểm), tài nguyên du lịch được đánh giá ở mức trung bình, có mức độ hấp dẫn và khả năng thu hút khách vừa phải. Hạng 4 (dưới 25 điểm), tài nguyên du lịch được đánh giá thấp, khó có khả năng khai thác phát triển du lịch. |
Cách thức điều tra tài nguyên du lịch ra sao?
Đầu tháng 11, Bộ VH-TT-DL đã triển khai hội nghị hướng dẫn 63 tỉnh, thành trên cả nước kế hoạch tổng thể và phương án điều tra tài nguyên du lịch tại địa phương.
Theo đó, đối tượng điều tra gồm có: Tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch. Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm di tích lịch sử – văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch. Thời gian thực hiện điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch trên cả nước dự kiến tiến hành trong 5 năm, bắt đầu từ 2024.
Về phương pháp điều tra, sử dụng cả phương pháp gián tiếp (thu thập thông tin sẵn có từ các cơ quan, đơn vị quản lý tài nguyên du lịch) và phương pháp trực tiếp (thực hiện cùng cơ quan quản lý tại điểm tài nguyên tiến hành điều tra thực địa, đo đạc, lấy thông tin về tài nguyên du lịch). Tài nguyên du lịch được đánh giá theo từng tiêu chí và các yếu tố đánh giá cả định tính và định lượng, được tổng hợp bằng số điểm đánh giá.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện hướng dẫn về định mức kinh tế, kỹ thuật phục vụ cho điều tra tài nguyên du lịch trình Bộ VH-TT-DL ban hành để các tỉnh, thành làm căn cứ pháp lý xây dựng kế hoạch triển khai điều tra, khảo sát tài nguyên du lịch tại địa phương.
Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang chuẩn bị các bước theo kế hoạch của Bộ VH-TT-DL để phục vụ cho công tác điều tra du lịch. Theo ông Đỗ Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Du lịch, sở đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch tổng điều tra, khảo sát, phân loại tài nguyên du lịch theo hướng dẫn từ Bộ VH-TT-DL, đặt mục tiêu trong năm 2025 phải hoàn thành điều tra, khảo sát tài nguyên trên toàn tỉnh. Sở đang chờ sổ tay hướng dẫn chung kỹ thuật điều tra và thông tư hướng dẫn định mức kinh tế, kỹ thuật từ Bộ VH-TT-DL để trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh triển khai đến các địa phương trên toàn tỉnh.
Bài, ảnh: KIM VINH
Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu