Đề xuất cơ chế làm nhanh 206km vành đai 4 TP.HCM qua 5 địa phương
Vành đai 4 TP.HCM giai đoạn 1 sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP về tổ chức họp chuyên đề với các địa phương để ký biên bản thống nhất các nội dung liên quan về triển khai dự án vành đai 4 TP.HCM.
Trên cơ sở đó, TP.HCM thay mặt các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo.
Vành đai 4 TP.HCM dài hơn 206km sẽ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Với dự án này, Chính phủ giao TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền triển khai 17,3km, Bình Dương 47,45km. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai 18,1km, Đồng Nai 45,6km và tỉnh Long An 78,3km. UBND TP.HCM là cơ quan được giao làm đầu mối tổng hợp việc triển khai dự án.
Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã họp với sở giao thông vận tải các địa phương có dự án vành đai 4 TP.HCM đi qua để cập nhật tiến độ, kết quả nghiên cứu báo cáo tiền khả thi.
Về cơ bản, sở giao thông vận tải các tỉnh đã thống nhất quy mô giai đoạn 1. Trong đó, dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần (8 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên) theo quy hoạch. Đồng thời đầu tư 4 làn xe cao tốc, 2 làn khẩn cấp, đường song hành.
Tuy nhiên, bề rộng mặt đường giai đoạn 1 do các địa phương đề xuất hiện chưa đồng bộ trên toàn tuyến. Vì vậy, vấn đề quy mô và các yếu tố kỹ thuật cần được các địa phương thống nhất làm cơ sở triển khai để hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án.
Qua kết quả nghiên cứu sơ bộ, các dự án đường vành đai 4 TP.HCM giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 105.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn các địa phương bố trí cho các dự án vành đai 4 TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn.
Do đó, các địa phương kiến nghị ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu 50% tổng mức vốn ngân sách.
Cơ chế này tương tự như khi triển khai dự án vành đai 3 TP.HCM. Còn với tỉnh Long An, ngân sách trung ương hỗ trợ 90% tổng vốn ngân sách tham gia dự án.
Cơ quan nào sẽ chủ trì triển khai đoạn qua tỉnh Long An?
Về tổng thể, UBND tỉnh Long An sẽ làm cơ quan có thẩm quyền triển khai đoạn vành đai 4 TP.HCM dài nhất, tới 78,3km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án này khoảng 47.068 tỉ đồng.
Có thể nói đây là dự án thành phần có quy mô rất lớn về cả chiều dài, cả tổng mức đầu tư, lại yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Với quy mô như trên, đây là dự án quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.
Dự án đi qua hai địa phương (Long An và TP.HCM), theo quy định việc đầu tư dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương.
Mặt khác, dự kiến vốn ngân sách tham gia dự án khoảng 27.173 tỉ đồng (chiếm 58% tổng mức đầu tư) là vượt quá tỉ lệ vốn ngân sách tham gia theo quy định Luật PPP (không quá 50%). Ngoài ra, tỉnh Long An đang gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện và cân đối nguồn vốn đầu tư cho dự án.
Do đó, sở giao thông vận tải các tỉnh thống nhất kiến nghị ở bước chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông vận tải sẽ làm cơ quan có thẩm quyền, chủ trì, phối hợp với TP.HCM và tỉnh Long An tổ chức thực hiện dự án.
Ở bước chuẩn bị thực hiện dự án và thực hiện dự án, các địa phương đề xuất giao một ban quản lý dự án trực thuộc Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện.
Vành đai 4 TP.HCM cần cơ chế đặc thù
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tăng tính hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư, các địa phương kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ trướng trình cấp thẩm quyền cho phép dự án vành đai 4 TP.HCM áp dụng một số cơ chế đặc thù. Cho phép tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án được vượt quá 50% tổng mức đầu tư…
Xem bài gốc ở đây