Đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế (*): Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9-2023, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt trên 363.000 tỉ đồng, bằng 51,38% kế hoạch, cao hơn khoảng 110.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng tăng 46,7%.
Giải ngân vốn khởi sắc
Năm 2023 với số vốn lên tới hơn 711.000 tỉ đồng, đến hết quý III, kết quả giải ngân vốn đầu tư công được đánh giá khả quan hơn cùng kỳ năm trước, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm 2023. Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội giải ngân 49.740,216 tỉ đồng, đạt 38,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đến nay, 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trong đó có cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, giai đoạn 1 dự án Vành đai 4 TP Hà Nội và dự án Vành đai 3 TP HCM; dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành… đang có tỉ lệ giải ngân khá cao, đạt hơn 48.297 tỉ đồng, tương đương 55,3% kế hoạch năm.
Dự án đường Vành đai 3 TP HCM đã được khởi công hồi tháng 8-2023. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đối với địa phương, tính đến ngày 20-9, TP Hải Phòng đã giải ngân trên 10.600 tỉ đồng nguồn vốn đầu tư công, đạt 79% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thuộc nhóm đầu những địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao.
Theo đại diện UBND TP Hải Phòng, địa phương đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện đẩy mạnh giải phóng mặt bằng để triển khai nhanh các dự án đầu tư. Cùng với đó, thành phố đã thành lập các tổ công tác do các phó chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Tại Hà Nội, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 20-9 đạt 23.469 tỉ đồng, đạt 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy vậy, ước tính đến cuối tháng 9, cả nước vẫn còn 29 bộ và 3 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm là do một số dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để phân bổ vốn. Bên cạnh đó là những vướng mắc liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, khó khăn trong nguồn cung, khan hiếm vật tư đầu vào nên các chủ đầu tư phải thực hiện điều chỉnh dự toán giá hợp đồng; chậm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.
“Một số dự án di tích hay thuộc lĩnh vực y tế chậm do phải thực hiện các thủ tục chuyên ngành, chậm triển khai bước lựa chọn đơn vị thẩm định giá, hồ sơ mời thầu. Các dự án công nghệ thông tin có yêu cầu kỹ thuật phức tạp trong khi các văn bản quy phạm pháp luật quy định chưa đầy đủ…” – TS Vũ Đình Ánh nêu rõ.
Gỡ nút thắt thủ tục
Với trên 348.000 tỉ đồng cần giải ngân trong thời gian tới, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; phát huy vai trò của các tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân. Các bộ, cơ quan, địa phương chưa phân bổ hết số kế hoạch vốn năm 2023 phải hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 trước ngày 20-10.
Nhấn mạnh vẫn còn một khối lượng rất lớn cần thực hiện để đạt được mục tiêu tại Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và kế hoạch giải ngân vốn từ 95%-100% năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng bộ, ngành, địa phương cần bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án. Cần chủ động trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án, chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công.
Đặc biệt, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm và nêu gương người đứng đầu. “Có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công” – bà Hương cho hay.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Vũ Đình Ánh cho rằng việc cải cách thủ tục, quy trình trong đầu tư công là rất cần thiết. Theo chuyên gia này, quản lý dự án đầu tư công vẫn còn nhiều nội dung, nhiều khâu, nhiều cấp với quy trình và thủ tục rườm rà, phức tạp, nặng về phê duyệt, xin – cho, trong khi chưa dành quyền chủ động cho chủ đầu tư đi đôi với tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm.
“Quyền và trách nhiệm của cá nhân với quyền và trách nhiệm của tập thể chưa được phân định rạch ròi nên không ít dự án đầu tư công chậm triển khai. Bên cạnh đó, giá cả nguyên nhiên vật liệu biến động mạnh khiến cho nhiều nhà thầu đề nghị điều chỉnh giá so với hợp đồng. Song, các chủ đầu tư không có quyền quyết định chấp thuận mà phải chờ xin ý kiến cấp thẩm quyền, dẫn đến việc triển khai dự án bị gián đoạn” – ông Ánh nêu thực tế và nhấn mạnh cần sớm tháo gỡ các rào cản này.
Với góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết ông đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên… Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Cần bảo đảm chất lượng
Theo bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê), đi đôi với việc đẩy mạnh giải ngân cần bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Về nguồn cung và giá vật liệu, bà Nga cho rằng UBND các tỉnh, thành phố cần có biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công. Trong đó cần cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng nhưng vẫn bảo đảm quy định của Luật Xây dựng là cơ sở để điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư của dự án, quyền lợi hợp pháp cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-10
Xem bài gốc ở đây