Đất nền chậm nhịp, những chiến lược cần thiết để quay lại “đường đua”
Lượng giao dịch đất nền kém
Trong năm 2024, bất động sản phía Nam được nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường đánh giá là đã vượt qua được “vùng đáy”. Một số phân khúc xuất hiện thanh khoản thu hút lượng khách ổn định. Tuy nhiên, phân khúc đất nền lại được xem là “đi lùi” vì tăng trưởng chậm.
Theo báo cáo của Công ty CP DKRA Group,, trong năm 2024, nguồn cung sơ cấp đất nền tăng nhẹ 1% so với năm 2023 và tập trung ở những dự án đã mở bán trước đó.
Nguồn cung mới vẫn duy trì ở mức khan hiếm, chỉ chiếm khoảng 15% trên tỉ trọng nguồn cung sơ cấp và giảm khoảng 34% so với năm trước.
Sức cầu chung của thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, lượng tiêu thụ sơ cấp đạt khoảng 13% trên tổng cung, giảm 15% so với năm 2023. Phần lớn giao dịch phân bổ ở giai đoạn 6 tháng cuối năm và nhóm sản phẩm có mức giá trung bình dưới 50 triệu đồng/m2 tại Tp.HCM hay dưới 25 triệu đồng/m2 ở vùng phụ cận.
Với thị trường đất nền, hiện nay khu vực tỉnh Bình Dương được đánh giá là nơi dẫn dắt thị trường sơ cấp, với tỉ trọng nguồn cung và lượng tiêu thụ lần lượt đạt 34% và 64%.
Mặt bằng giá sơ cấp giảm trung bình 3% so với cùng kỳ năm 2023 và vẫn neo ở mức cao. Trong khi đó, thị trường thứ cấp ghi nhận mức tăng trung bình khoảng 4% so với quý I/2024.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Võ Hồng Thắng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng DKRA Consulting kiêm Giám đốc đầu tư DKRA Group cho rằng: “Phân khúc đất nền trong thời gian vừa qua gần như là phân khúc có cải thiện chậm nhất thị trường. Tại khu vực phía Nam không chỉ ghi nhận nguồn cung giảm sâu mà lượng giao dịch đất nền bị chậm lại, không thu hút được nhà đầu tư cũng như những người có nhu cầu mua sử dụng”.
Theo ông Thắng, từ giữa năm 2024, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Đất đai có hiệu lực cũng làm ảnh hưởng đến thị trường đất nền. Các quy định siết chặt về phân lô đất nền khiến các nhà đầu tư dè dặt hơn.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Gia Phú (nhà đầu tư) nhận định: “Trong thời gian qua, phân khúc đất nền dự án có thể nói là chật vật tìm khách. Một số chủ đầu tư tung ra thị trường sản phẩm nhưng lại để giá quá cao. Mặc dù, đất nền được gọi là ‘vua’ của bất động sản về độ sinh lời, tăng giá nhanh, nhưng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, những đất nền không hạ được chi phí, vướng mắc pháp lý về giấy chứng nhận… khiến các nhà đầu tư sẽ rất e ngại xuống tiền'”.
Đất nền cần đủ pháp lý, đúng giá thị trường mới hút nhà đầu tư
Theo ghi nhận thực tế của Người Đưa Tin, trong hơn 1 năm qua, thị trường đất nền dự án tại khu vực Tp.HCM không có dự án mới nào đủ điều kiện chào bán ra thị trường.
Tại tỉnh Bình Dương có khoảng 2 – 3 dự án mới được chủ đầu tư chào sân. Tuy nhiên, các dự án này chủ yếu nằm ở khu vực huyện Phú Giáo, huyện Bàu Bàng vị trí khá xa với khu vực trung tâm và kết nối đến các khu vực như Tp.HCM – Đồng Nai cần thời gian di chuyển rất lâu.
Hiện tại, thị trường đất nền tại tỉnh Long An gần như không có dự án mới, nhưng nguồn cung sẽ khá dồi dào vào năm 2025 nhờ các dự án cũ đang hoàn thiện thủ tục pháp lý. Tại các khu vực như huyện Đức Hòa, Bến Lức và Cần Giuộc, nhiều công ty môi giới đã bắt đầu giới thiệu các dự án gần hoàn tất 80% công tác pháp lý.
Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch Công ty CP Liên minh khu Tây cho rằng: “Thị trường đất nền tại Tp.HCM và các khu vực lân cận như tỉnh Bình Dương, Long An hiện đang gặp khó khăn về thanh khoản. Các giao dịch đất nền ghi nhận rất thấp, chỉ đủ để duy trì các hoạt động cơ bản. Lý do chính là không thể hoàn thiện nhanh chóng các thủ tục pháp lý, xây dựng hạ tầng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khiến phân khúc này không còn phát triển mạnh như trước đây”.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhận định, dù năm 2024 phân khúc đất nền gặp nhiều khó khăn về nguồn cung và thanh khoản, nhưng đến năm 2025, thị trường có thể sẽ phục hồi. Đặc biệt, đất nền tại các khu vực gần khu công nghiệp, khu du lịch và đô thị loại 1 sẽ có tiềm năng tăng giá và thanh khoản nhờ vào dòng tiền từ các phân khúc chung cư, nhà đất nội đô, ven đô và đầu tư từ Việt kiều.
Ông Hùng chia sẻ, đối với phân khúc đất nền, không phải nhà đầu tư nào cũng đủ khả năng tham gia và gắn bó lâu dài. Hiện nay, thanh khoản vẫn gặp khó khăn và các dự án đất nền cần một nền tảng pháp lý vững chắc, cùng hạ tầng đô thị hoàn thiện.
Bên cạnh đó, các chi phí tạo lập sản phẩm cần được tính toán kỹ lưỡng, không nên bán đất với giá quá cao, vì như vậy sẽ khó thu hút được giao dịch thứ cấp và có thể khiến sản phẩm bị tồn đọng.
Theo DKRA Group, dự báo trong năm 2024, nguồn cung đất nền sẽ tăng lên, dao động từ 3.000 đến 3.500 nền, chủ yếu tập trung tại các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai và Long An – những khu vực sẽ hưởng lợi nhiều từ các dự án hạ tầng trọng điểm như đường Vành đai 3, Vành đai 4 và sân bay Long Thành.
Trong khi đó, các khu vực như Tp.HCM, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn sẽ đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Mặc dù, giá sơ cấp có thể tăng nhẹ và giữ ở mức cao do áp lực chi phí đầu vào, giao dịch thứ cấp dự báo sẽ tiếp tục hồi phục, đặc biệt đối với những sản phẩm có pháp lý minh bạch, chủ đầu tư uy tín và được trang bị nhiều tiện ích nội khu và ngoại khu.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng DKRA Consulting kiêm Giám đốc đầu tư DKRA Group, cũng kỳ vọng vào năm 2025, khi thị trường kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, bất động sản sẽ tiếp tục hưởng lợi và thúc đẩy sự phát triển của các phân khúc, mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
Phùng Sơn
Nguồn: Người đưa tin