Danh lục xanh: Giải pháp bảo tồn bền vững cho Vườn quốc gia Cát Tiên
Nỗ lực của Việt Nam
Sau nhiều tháng xét duyệt, Vườn quốc gia Cát Tiên đang tiến tới gần giai đoạn được chứng nhận Danh lục xanh, một bộ tiêu chuẩn toàn cầu cho các khu bảo vệ và bảo tồn của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Trước đó, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là khu bảo tồn đầu tiên ở Đông Nam Á được chứng nhận Danh lục xanh vào năm 2019.
Theo thông tin từ cuộc họp ngày 18-1, do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam và IUCN tổ chức, Vườn quốc gia Cát Tiên đã vượt qua giai đoạn thẩm định độc lập trong năm 2023 của nhóm chuyên gia đánh giá Danh lục xanh.
Hồ sơ của vườn được phê duyệt vào tháng 12-2023, trước khi trình lên Ủy ban Danh lục xanh để đánh giá cuối cùng và trao danh hiệu trong năm nay.
Hiện tại, có 10 khu bảo vệ và bảo tồn ở Việt Nam đang trong giai đoạn ứng viên hoặc đăng ký chương trình Danh lục xanh, như: Vườn quốc gia Cúc Phương, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Vườn quốc gia Vũ Quang, Vườn quốc gia Bạch Mã, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong, Vườn quốc gia Sông Thanh, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, Vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn quốc gia Pù Mát và Vườn quốc gia Côn Đảo.
Việc đạt chứng nhận Danh lục xanh sẽ giúp nâng cao năng lực quản lý hiệu quả của Vườn quốc gia Cát Tiên. Sử dụng các công cụ kiểm soát hiệu quả (METT) sẽ giúp việc quản lý đồng bộ hơn và theo tiêu chuẩn toàn cầu, giúp vườn nhận cung cấp tài chính từ các tổ chức tài trợ quốc tế.
Ngoài ra, việc đạt chứng nhận Danh lục xanh cũng giúp các vườn có được sự công nhận quốc tế, thu hút sự chú ý cũng như tăng cường hợp tác, tiếp nhận các nguồn tài trợ.
Điều này cũng sẽ giúp thúc đẩy du lịch, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững.
Thước đo của bảo tồn
Chứng nhận Danh lục xanh IUCN sẽ cung cấp thước đo thành công trong bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Khác với các danh hiệu khác như Di sản thế giới và Khu dự trữ sinh quyển, Danh lục xanh hỗ trợ bảo tồn bằng cách chứng nhận, khuyến khích và nâng cao năng lực để đạt được tác động cụ thể cho cả khía cạnh pháp lý, văn hóa, xã hội, địa lý và sinh thái.
Tiêu chuẩn Danh lục xanh gồm 4 phần: quản trị tốt, thiết kế và lập kế hoạch tốt, quản lý hiệu quả, kết quả bảo tồn thành công, với tổng cộng 17 tiêu chí và 50 chỉ số.
Kể từ khi được khởi động năm 2016, đã có 77 khu bảo vệ và bảo tồn ở 18 quốc gia trên thế giới đã được chứng nhận Danh lục xanh. Hơn 60 quốc gia tham gia vào cộng đồng Danh lục xanh IUCN.
“Đo lường tiến độ và tác động bảo tồn là rất quan trọng để cải thiện hiệu quả công tác bảo tồn tổng thể của các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam. Chứng nhận Danh lục xanh của IUCN giúp các chủ rừng biết được những điểm cần cải thiện nếu khu bảo tồn của họ đạt được tiêu chuẩn quản lý quốc tế”, ông Nick Cox – giám đốc Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ và WWF thực hiện – giải thích.
Hợp phần đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ các khu vực dự án đạt được chứng nhận Danh lục xanh của IUCN.
Ông Cox cho biết các khó khăn trong việc bảo tồn ở Việt Nam là áp lực lớn do sự phụ thuộc lớn của người dân vào rừng và đặc thù tiêu thụ nhiều lâm sản. Do đó, việc bảo tồn chỉ có thể bền vững khi có sự tham gia của cộng đồng.
Ông Phạm Xuân Thịnh, giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên, khẳng định vườn cam kết thực hiện bảo tồn toàn diện, đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của Danh lục xanh để hướng tới mục tiêu trở thành một hình mẫu quốc tế về quản lý bền vững và bảo vệ đa dạng sinh học.
Xem bài gốc ở đây