Chuyển đổi số – giải pháp đột phá thúc đẩy du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển theo hướng xanh, bền vững
Trong thời đại của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tăng cường khả năng quản lý tài nguyên bền vững, đồng thời nâng cao trải nghiệm, chất lượng dịch vụ, sự hài lòng cho khách du lịch là xu thế tất yếu của các điểm du lịch. Chuyển đổi số được xác định là giải pháp đột phá giúp ngành du lịch của các địa phương phát triển theo hướng xanh, bền vững, hiệu quả trong giai đoạn mới.
Chuyên gia hướng dẫn DN chuyển đổi số kết hợp với chuyển đổi xanh, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để tăng hiệu quả kinh doanh. |
Phát triển du lịch xanh, bền vững – Định hướng chiến lược của Việt Nam
Tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong phát triển kinh tế-xã hội. Theo chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Chính phủ đã xác định rõ quan điểm “Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài. Tăng trưởng xanh phải dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước”.
Đối với ngành du lịch, Chính phủ yêu cầu thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch “Xây dựng các chương trình về văn hóa sống, lối sống xanh và phát triển sản phẩm du lịch xanh; xây dựng và áp dụng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại các khu du lịch, điểm du lịch; xây dựng tiêu chí và triển khai dán nhãn du lịch xanh cho các cơ sở kinh doanh du lịch”.
Ký số bản đồ khổ lớn là một trong những ứng dụng hiệu quả nhất của ngành TN-MT. |
Tại diễn đàn phát triển du lịch xanh Việt Nam năm 2023 – Tăng trưởng xanh và bền vững, diễn ra tại TP.Vũng Tàu ngày 17/11/2023, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) Hoàng Quốc Hòa chia sẻ: Phát triển du lịch xanh là một định hướng chiến lược cốt lõi của Việt Nam. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020 xác định quan điểm “Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Phát triển du lịch xanh là phương thức quan trọng để phát triển du lịch bền vững |
Chuyển đổi số – giải pháp đột phá thúc đẩy BR-VT phát triển du lịch xanh
Tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững ngày 15/11/2023 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, không gian số, cách tiếp cận số, chuyển đổi số và quản trị số, công nghệ số chính là cơ hội cho ngành du lịch có sự phát triển đột phá.
Theo xu thế hiện nay, chuyển đổi số được coi là chìa khóa để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Đặc biệt, trước những tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã thể hiện rõ vai trò cứu cánh giúp duy trì các hoạt động kinh tế – xã hội, vượt qua khủng hoảng và phục hồi, phát triển theo hướng linh hoạt, bền vững và bao trùm hơn. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và là tương lai của ngành du lịch.
Về giải pháp ứng dụng công nghệ thúc đẩy du lịch xanh, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đề ra một số nhiệm vụ như: Đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong ngành du lịch; phát triển du lịch thông minh; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu; quản lý khách du lịch và hoạt động du lịch, tài nguyên du lịch, kiểm soát, giám sát và cảnh báo ô nhiễm trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và nền tảng công nghệ số; Ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; Ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thanh toán dịch vụ du lịch hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt, hướng dẫn và khuyến khích khách du lịch sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trên các thiết bị thông minh.
Diễn đàn phát triển du lịch xanh Việt Nam với chủ đề “Tăng trưởng xanh và bền vững” trong khuôn khổ chương trình “Tuần lễ Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu 2023” |
Cũng tại diễn đàn phát triển du lịch xanh Việt Nam năm 2023 -Tăng trưởng xanh và bền vững tại TP.Vũng Tàu vừa qua, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: diễn đàn là cầu kết nối, tăng cường sự chia sẻ, hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các tổ chức chính trị – xã hội cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Đây cũng là cơ hội lắng nghe, tiếp nhận các sáng kiến, các giải pháp, các ý kiến hiến kế của các chuyên gia, các doanh nghiệp qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch; định vị thương hiệu du lịch tỉnh BR-VT nhằm thu hút khách du lịch và “Phát triển BR-VT thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế”.
Thông qua diễn đàn, tỉnh BR-VT mong muốn nhận được những ý kiến thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng tầm và phát triển bền vững du lịch BR-VT, thúc đẩy phục hồi, phát triển mạnh mẽ các hoạt động du lịch để phát triển ngành kinh tế du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 08-NQ/TW trong thời gian tới.
Nhân viên Chi nhánh VP Đăng ký đất đai TP. Bà Rịa xử lý hồ sơ đất cho người dân qua ứng dụng chuyên ngành. |
Theo Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh BR-VT năm 2023, mục tiêu của Kế hoạch là tiếp tục thực hiện, triển khai các nhiệm vụ để đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính; ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các Chương trình, Chiến lược của Quốc gia về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh; đưa ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số để cải tiến, thay đổi quy trình tác nghiệp của cơ quan nhà nước nhằm đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng các sản phẩm công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp cận chào bán các sản phẩm trên các trang như Booking, Traveloka…, góp phần chuyển đổi số một cách hiệu quả, khẳng định thương hiệu của địa phương trọng điểm về du lịch của cả nước, trong đó TP.Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, xây dựng đô thị Côn Đảo theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu hình thành một đô thị xanh, phát triển bền vững nhằm bảo vệ môi trường rừng biển, tiết kiệm tài nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội.
Thông tin về điểm đến du lịch và nội dung có liên quan vui lòng cập nhật vào website: https://ittpa.baria-vungtau.gov.vn/ của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu |
Nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao cũng như khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch BR-VT, Kế hoạch 232/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm cũng đã xác định giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin là một trong 7 giải pháp để tổ chức thực hiện.
Theo đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ quản lý đồng bộ và hiệu quả hoạt động du lịch đêm. Xây dựng, nâng cấp, phát triển hệ thống phần mềm quản lý, báo cáo sự cố, điểm nóng trên các thiết bị di động thông minh, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch ban đêm; Tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá về du lịch nói chung và sản phẩm du lịch đêm nói riêng; Triển khai các ứng dụng, tiện ích hỗ trợ khách du lịch, trong đó ưu tiên triển khai ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn và thẻ du lịch thông minh và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thanh toán trực tuyến, sử dụng công nghệ tự động hóa trong cung cấp dịch vụ tại các mô hình phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh để phục vụ du khách./.
Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu