Chuyển đổi số báo chí: nhiều điều mong muốn nhưng chưa làm được
Đó là chia sẻ của nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí trung ương và địa phương cũng như trên địa bàn TP.HCM tại tọa đàm “Chuyển đổi số báo chí” do Hội Nhà báo Việt Nam và Tập đoàn FPT tổ chức chiều 7-9.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Khắc Văn – phó tổng biên tập, tổng thư ký tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng – cho biết hiện có nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi số ở Sài Gòn Giải Phóng. Chẳng hạn, tờ báo chưa xây dựng được quy chế thực hiện các bước công việc trong quy trình làm báo chung của các ấn phẩm và báo online để các ban chuyên môn, phóng viên thường trú thực hiện nghiêm túc.
Các công đoạn của quy trình xuất bản không thể thực hiện song song cùng một lúc, gây nghẽn “cổ chai” ở các khâu: biên tập, duyệt, dàn trang, dò và sửa lỗi. Quy trình làm việc vừa thủ công – vừa hiện đại dồn quá nhiều việc vào một số bộ phận và một số ít người, gây ra nhiều khó khăn.
Báo Sài Gòn Giải Phóng chưa có một hệ phần mềm ứng dụng hỗ trợ tổng thể hoạt động biên tập, xuất bản báo giấy tích hợp với báo điện tử. Các chương trình ứng dụng không phải là những phần mềm được thiết kế riêng cho hoạt động làm báo nên thiếu những chức năng để đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của công việc.
Về mặt thiết bị công nghệ, ông Văn cho biết cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ phục vụ quy trình tác nghiệp và xuất bản của báo mặc dù có được cải thiện, nâng cấp, tuy nhiên hiện vẫn còn manh mún chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra trong việc nâng cao chất lượng hoạt động báo chí đa phương tiện.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng cấp phát trang thiết bị hiện đại để chuyển đổi số tốn khá nhiều kinh phí.
“Trong khi đó, cơ quan báo lại đang gặp khó khăn về tài chính nên không thể tự trang bị được. Còn nếu xin ngân sách nhà nước cấp thì phải lập thành dự án, cơ quan báo phải chấp nhận khấu hao kinh phí đầu tư tổng dự án trong 4 năm, mà nguồn thu trong 4 năm của các cơ quan báo không bù chi được”, ông Văn chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn – tổng biên tập báo Thanh Niên – cũng thừa nhận “còn nhiều điều mong muốn chưa làm được, mà một trong số đó là việc ứng dụng công nghệ vào báo điện tử”.
Cũng như hầu hết các cơ quan báo chí Việt Nam, báo Thanh Niên không có một nền tảng công nghệ tự xây dựng từ A-Z mà hầu như phải dựa vào các đối tác trong và ngoài nước. “Con đường này cũng có nhiều bất lợi như chúng tôi khó chủ động khi cần tạo ra các sản phẩm mới; kho dữ liệu bị phân tán, không kết nối liên thông được với nhau để tối ưu nguồn lực và tăng hiệu suất công việc…”.
Khi làm việc với các đối tác có đội hỗ trợ kỹ thuật ở nước ngoài, tiến độ xử lý thường bị chậm do chênh lệch thời gian và hạn chế về số lượng nhân sự chuyên trách. Chi phí phải trả cho các đối tác cũng rất lớn, dẫn đến thủ tục phê duyệt đầu tư khá mất thời gian cho các công đoạn chuẩn bị đề án, tổ chức đấu thầu…
Một số quy định của pháp luật hiện hành khiến các lựa chọn giao kết hợp đồng bị bó hẹp về phương thức thanh toán hay gây khó khăn cho việc chọn được nhà thầu tốt nhất…
“Đáng nói, sự khan hiếm trên thị trường của các giải pháp mang tính địa phương, hiểu theo nghĩa phù hợp với đặc điểm của báo chí Việt Nam, do các nhà cung cấp dịch vụ trong nước phát triển”, ông Toàn bày tỏ.
Chia sẻ khó khăn với các cơ quan báo chí, ông Trương Gia Bình – chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT – cho biết FPT sẵn sàng đồng hành cùng các cơ quan báo chí trong việc giải quyết thách thức, rào cản trong việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động tòa soạn.
Ông đề xuất các lãnh đạo cơ quan báo chí và FPT có thể “ngồi lại với nhau ngay sau buổi tọa đàm hôm nay” để cùng nhau bàn phương án hợp tác, hỗ trợ công tác chuyển đổi số báo chí từ những nguồn lực công nghệ hiện đại của FPT.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Trung tâm AI của FPT cũng chia sẻ về những ứng dụng của AI có thể áp dụng trong các hoạt động báo chí, truyền thông như tổng hợp thông tin, viết bài, đặt tít, tạo hình ảnh minh họa theo nhiều phong cách khác nhau… thông qua những ứng dụng sẵn có như ChatGPT, Midjourney, FPT.AI…