CEO Telegram bị truy tố, rồi sao nữa?
Công tố viên Paris Laure Beccuau thông báo thẩm phán tại tòa án Pháp đã quyết định truy tố ông Pavel Durov, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành (CEO) của Telegram, vì những cáo buộc liên quan tội phạm có tổ chức.
Vụ bắt giữ ông Durov tại Pháp đã gây ra cơn phẫn nộ tại Nga. Một số quan chức Chính phủ Nga cho rằng vụ việc này mang động cơ chính trị và là bằng chứng cho thấy phương Tây có tiêu chuẩn kép về quyền tự do ngôn luận.
Có thể kéo dài nhiều năm
Mặc dù Pháp đã chính thức mở cuộc điều tra đối với CEO Telegram, nhưng doanh nhân này đang được tại ngoại, phải nộp bảo lãnh 5 triệu euro, báo cáo với cảnh sát hai lần mỗi tuần và không được rời khỏi Pháp.
Công tố viên Laure Beccuau cho biết thẩm phán nhận thấy đã có đủ căn cứ để điều tra chính thức ông Durov về tất cả các cáo buộc liên quan tới vụ bắt giữ ông cách đây vài ngày tại sân bay Le Bourget ở ngoại ô Paris. Cuộc điều tra có thể kéo dài nhiều năm trước khi được đưa ra xét xử hoặc gác lại vụ việc.
Các công tố viên cho biết ông Durov “là người duy nhất liên quan trong vụ việc ở giai đoạn này”. Họ không loại trừ khả năng những người khác sẽ bị điều tra, nhưng từ chối bình luận thêm.
Hãng tin AFP dẫn một nguồn tin cho biết ông Durov cũng đang bị điều tra vì nghi ngờ có “hành vi bạo lực nghiêm trọng” đối với một trong những người con của mình trong thời gian ông và mẹ cậu bé đang ở Paris.
Ông David-Olivier Kaminski, luật sư của ông Durov, nói thật “vô lý” khi cho rằng tỉ phú này liên quan đến bất cứ hành vi phạm tội nào được thực hiện trên ứng dụng Telegram. Vị này khẳng định: “Telegram tuân thủ mọi quy định của châu Âu liên quan đến công nghệ số”.
Số phận của CEO công nghệ
Các cáo buộc được đưa ra bao gồm nghi ngờ ông Durov đồng lõa trong việc điều hành một nền tảng trực tuyến cho phép thực hiện các giao dịch bất hợp pháp, lưu trữ hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em, buôn bán ma túy và lừa đảo, cũng như từ chối cung cấp thông tin cho chính quyền, rửa tiền và cung cấp dịch vụ mã hóa cho tội phạm.
Việc truy tố ông Durov, trong khuôn khổ cuộc điều tra về các hoạt động bất hợp pháp trên ứng dụng nhắn tin Telegram, dù được cho là mang mục đích chính trị nhiều hơn là vai trò của CEO công nghệ, cũng đã làm dấy lên lo ngại về trách nhiệm cá nhân của các CEO công nghệ.
Tháng 8 năm nay, mạng xã hội X (Twitter) dừng hoạt động tại Brazil, sau khi X cáo buộc thẩm phán nước này đã bí mật đe dọa bắt giữ một trong những đại diện pháp lý của X tại Brazil nếu công ty này không chịu gỡ bỏ một số nội dung khỏi nền tảng. Năm 2021, các đại diện Twitter tại Ấn Độ đối mặt với việc bị bắt giữ vì các bài đăng mà Chính phủ Ấn Độ muốn xóa khỏi trang này.
Theo báo New York Times, trong nhiều năm qua, lãnh đạo các công ty Internet hiếm khi phải đối mặt với trách nhiệm cá nhân tại các nước phương Tây vì những gì diễn ra trên nền tảng của họ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật tăng cường giám sát các nền tảng và sàn giao dịch trực tuyến, những CEO này giờ đây có thể bị bắt chịu trách nhiệm. Sự thay đổi đó càng trở nên rõ hơn sau khi ông Durov bị bắt và truy tố.
Kể từ thập niên 1990, các CEO công nghệ thường không phải chịu trách nhiệm về những gì người dùng đã làm trên nền tảng của họ. Thông thường các công ty phải chịu trách nhiệm về những vi phạm trong hoạt động của nền tảng, chứ không phải cá nhân. Và về mặt pháp lý, tại Mỹ cũng như châu Âu, việc truy tố cá nhân vì các hoạt động tại công ty của họ sẽ đối mặt với “rào cản rất cao”.
Năm ngoái, Anh đã thông qua luật an toàn trực tuyến, có thể buộc các lãnh đạo công nghệ phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu công ty của họ biết về nội dung có nguy cơ gây nguy hiểm cho trẻ em nhưng không xóa bỏ một cách có hệ thống.
Dù vậy cũng có chuyên gia cho rằng các CEO công nghệ hiện nay không có gì phải sợ vì những trường hợp như ông Durov có thể chỉ là ngoại lệ và là trường hợp “con tin chính trị” như cáo buộc của Nga.
Có đến lượt Musk, Zuckerberg không?
Bà Kate Klonick, phó giáo sư luật tại Đại học St. John (Mỹ) và là người đang nghiên cứu về quy định của Liên minh châu Âu đối với các nền tảng trực tuyến, cho rằng ông Elon Musk có thể đang tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm giống như ông Durov, bởi lẽ vị tỉ phú Mỹ có cách tiếp cận không can thiệp vào việc kiểm soát nội dung trên X.
“Nếu tôi là người thích cá cược, tôi sẽ nói rằng một ngày nào đó ông Elon Musk sẽ phải ra tòa hoặc phải ngồi tù ở một quốc gia nào đó vì ông từ chối và coi thường pháp luật”, bà Klonick bình luận.
Xem bài gốc ở đây