Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là dự án quan trọng của Đông Nam Bộ, làm trước và sau 2030
Nội dung này được nêu trong quyết định phê duyệt theo quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký.
Theo danh mục kèm quyết định, có tổng cộng 44 dự án được xác định là dự án quan trọng của vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
Trong đó có 10 dự án được xác định trong quy hoạch tổng thể quốc gia gồm:
– Đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông qua địa bàn vùng Đông Nam Bộ.
– Đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Tây qua địa bàn vùng Đông Nam Bộ.
– Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài (Đường bộ cao tốc Đông – Tây).
– Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Đường bộ cao tốc Đông – Tây).
– Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
– Đường vành đai 3 TP.HCM.
– Đường vành đai 4 TP.HCM.
– Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam qua địa bàn vùng Đông Nam Bộ.
– Các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM.
– Đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu (đường sắt kết nối với cảng biến cửa ngõ quốc tế).
Ngoài ra, có 34 dự án quan trọng khác được xác định phân kỳ thực hiện giai đoạn từ 2021 – 2030 và sau 2030. Đáng chú ý trong đó có dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Trong phương hướng phát triển mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ được xác định theo quy hoạch mới phê duyệt, xác định tập trung phát triển khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép Thị Vải và xây dựng khu bến cảng Cần Giờ thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Từ đó, phát triển cụm cảng TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu có quy mô lớn phục vụ cho phát triền kinh tế, xã hội của vùng và khu vực phụ cận.
Cùng với đó, quy hoạch xác định tầm nhìn đến năm 2050 sẽ đầu tư xây dựng hình thành các khu bến cảng mới tại Cần Giờ. Hoàn thành công tác di dời các bến cảng trên sông Sài Gòn và tiếp tục nghiên cứu di dời các khu bến khác phù hợp với phát triển không gian đô thị TP.HCM.
Ngoài ra, trong quyết định phê duyệt quy hoạch cũng xác định sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định liên quan về quản lý hàng hải để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cảng Cái Mép – Thị Vải và cảng Cần Giờ vận hành theo chức năng cảng trung chuyển quốc tế, có sức cạnh tranh với các cảng trong khu vực.
Đây được xem là một trong những cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng cần được nghiên cứu.
Thủ tướng lưu ý quá trình triển khai thực hiện đầu tư đối với bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cần nghiên cứu xem xét lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư tổng thể.
Việc này nhằm phát huy tối đa năng lực khai thác của hệ thống cảng biển, cạnh tranh lành mạnh với các cảng biến trong khu vực Đông Nam Á.
Đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo hai giai đoạn
Tháng 3-2024, TP.HCM đã trình Thủ tướng đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, khai thác giai đoạn 1 trước năm 2030.
Theo đề án, vị trí cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Nơi đây nằm ở cửa sông Cái Mép – Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.
Cảng thuộc Vùng kinh tế động lực phía Nam là vùng kinh tế năng động nhất của Việt Nam nên có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng trung chuyển quốc tế.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Bên cạnh đó sẽ thu hút các dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực, góp phần thúc đẩy sự hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đặt trong chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước, bổ sung cho hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải và nâng tầm toàn bộ cụm cảng biển số 4 thành một trung tâm cảng biển quốc gia, tầm quốc tế trong tương lai…
Trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua, dự kiến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn.
Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2 khu bến chính/7 khu bến chính). Giai đoạn 2 (sau năm 2030 – 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các khu bến chính còn lại.
Xem bài gốc ở đây