Cần cơ chế huy động vốn cho Đông Nam Bộ
Đây là ý kiến được các chuyên gia đề xuất tại hội thảo “Cơ chế đặc thù phát triển vùng Đông Nam Bộ: Đề xuất cơ chế tài chính và đầu tư phát triển vùng” do Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức, ngày 6-10.
Động lực tăng trưởng dần suy giảm
Vùng Đông Nam Bộ gồm TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh luôn là vùng kinh tế lớn nhất cả nước, là đầu tàu kinh tế quan trọng nhất trong phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, vai trò, vị trí và đóng góp của vùng đã, đang suy giảm liên tục trong thời gian gần đây. Tốc độ tăng trưởng GRDP vùng bình quân giai đoạn 2011 – 2015 từ 6,87% (cao hơn mức bình quân cả nước) giảm còn 5,31% giai đoạn 2016 – 2020 và chỉ còn 2,61% giai đoạn 2021 – 2022 (thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước). Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước cũng giảm từ 32,59% năm 2018 xuống còn khoảng 30,72% năm 2021.
Theo các chuyên gia, nút thắt trong phát triển của vùng Đông Nam Bộ hiện nay là hạ tầng liên kết vùng, trong đó hạ tầng giao thông vận tải có vai trò chiến lược và cốt lõi nhất. Trong ảnh: Tuyến metro số 1 của TP HCM đang trong quá trình hoàn thiện .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhận định Đông Nam Bộ vẫn là vùng động lực tăng trưởng lớn và quan trọng nhất của quốc gia. Nhưng động cơ tăng trưởng của vùng đang yếu dần và chậm lại. Vai trò của vùng với tư cách đầu tàu cũng đang có xu hướng sụt giảm, thể hiện qua nhiều chỉ số như đóng góp của vùng vào GDP toàn quốc; đóng góp từ sản xuất, đầu tư, tỉ trọng doanh nghiệp (DN) của vùng vào GDP cả nước. Riêng tỉ trọng DN giảm tương đối nhanh – từ gần 50% xuống còn gần 40% trong vòng 10 năm qua.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, nhận định 2 điểm nghẽn cơ bản của vùng Đông Nam Bộ là thể chế và hạ tầng mà Nghị quyết 24-NQ/TW tháng 10-2022 về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đã đưa ra một loạt giải pháp lớn, trong đó lập lại Hội đồng Điều phối vùng do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh này, việc phải có một cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực tài chính và vốn đầu tư cho vùng Đông Nam Bộ là cần thiết. Tuy nhiên, cơ chế này phải có tính khả thi, bền vững nhằm tạo đột phá trong phát triển vùng.
Đề xuất lập quỹ phát triển hạ tầng vùng
Một trong những hướng ra cho bài toán huy động nguồn lực tài chính và vốn đầu tư được nhóm nghiên cứu về cơ chế đặc thù cho phát triển vùng Đông Nam Bộ của WB đưa ra là đề xuất 5 phương án thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, 2 phương án theo hướng không thành lập quỹ đầu tư vùng mà mở rộng chức năng, sáp nhập các quỹ đầu tư phát triển địa phương hiện có và cho phép những quỹ này đầu tư, cho vay cấp vốn cho cả các dự án đầu tư vùng. Phương án lập quỹ từ việc nâng cấp mô hình của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước (HFIC); phương án bổ sung phạm vi hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) bao gồm các chức năng của quỹ phát triển hạ tầng vùng.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Thảo, thành viên của nhóm nghiên cứu, nhận định các phương án này có nhiều hạn chế, như không khắc phục được các điểm yếu, hạn chế của quỹ đầu tư phát triển địa phương. Phạm vi hoạt động hẹp, hạn chế về quản trị, năng lực huy động vốn nên có thể không huy động được vốn cho các dự án vùng như kỳ vọng. Nhóm nghiên cứu ưu tiên phương án thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng như một ngân hàng chính sách mới, với các cổ đông hay thành viên góp vốn là Chính phủ (có thể ủy quyền cho Bộ Tài chính hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và UBND các địa phương trong vùng. “Về lâu dài, quỹ có thể huy động thêm nhà đầu tư trong và ngoài nước, sẽ là một tổ chức tài chính chuyên nghiệp, có cơ sở pháp lý vững chắc, có phạm vi hoạt động đủ rộng, hoạt động theo nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế” – TS Nguyễn Minh Thảo nói.
TS Trần Du Lịch cũng nêu quan điểm nếu quỹ đầu tư hạ tầng vùng được triển khai hiệu quả theo hướng là một định chế tài chính độc lập, không dựa nhiều vào ngân sách mà hợp vốn – một phần vốn nhà nước, một phần huy động trong và ngoài nước bao gồm cả VDB… Định chế này, quan trọng nhất phải có cơ chế điều hành, quản lý hiệu quả, độc lập dựa trên hiệu quả đầu tư chứ không phải mô hình như các cơ quan hành chính nhà nước hiện tại. Đặc biệt, quỹ này có quyền huy động vốn vay quốc tế, phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế, sử dụng quỹ đất theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) ở toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị. “Nếu triển khai đúng tiêu chí này, quỹ sẽ phát huy hiệu quả cho cả vùng và nền kinh tế. Đặc biệt, có thể kết nối các tuyến đường sắt đô thị của TP HCM với vùng từ sân bay Long Thành đến hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải, các khu đô thị Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… Khi đó, khai thác quỹ đất theo mô hình TOD dọc các tuyến này sẽ mở ra không gian phát triển, tái bố trí dân cư, kinh tế, từ đó thay đổi cơ cấu kinh tế vùng” – TS Trần Du Lịch phân tích.
Đặc biệt, TS Trần Du Lịch cho rằng để phát triển vùng Đông Nam Bộ, không cần nghiên cứu gì thêm mà áp dụng luôn một số điểm trong Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù của TP HCM cho cả vùng. Ngân sách của địa phương này có thể đầu tư qua địa phương khác đối với những công trình hạ tầng đi qua các địa phương đó.
Phát biểu kết luận hội thảo, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, nhấn mạnh cần có sự đồng thuận về nhu cầu hành động cho vùng Đông Nam Bộ, nhất là tập trung mạnh mẽ vào huy động các nguồn lực cho đầu tư. Trong đó, đề xuất áp dụng Nghị quyết 98 cho các tỉnh Đông Nam Bộ là khả thi sau giai đoạn đánh giá cụ thể, khuyến nghị phát triển cho giai đoạn trung hạn 2025 – 2026 sẽ tạo thêm động lực phát triển vùng.
Gỡ nút thắt hạ tầng liên kết vùng
Theo PSG-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức – Trường ĐH Việt Đức, nút thắt trong phát triển của vùng Đông Nam Bộ hiện nay là hạ tầng liên kết vùng, trong đó hạ tầng giao thông vận tải có vai trò chiến lược và cốt lõi nhất. Để giải quyết nút thắt này phải có cơ chế phối hợp và chính sách của vùng. “Vùng Đông Nam Bộ phải kết nối bằng hạ tầng đa phương thức, bao gồm đường bộ, đường sắt và đường sông. Cả 3 phương thức này đều cần thiết nhưng trước mắt cần tập trung vào đường bộ. Như mạng lưới đường cao tốc liên vùng cần được đẩy nhanh bằng cơ chế vốn, huy động vốn riêng. Kế đó là thực hiện mạng lưới đường sắt đô thị thành phố và kéo dài về các tỉnh, thành lân cận để tạo thành một vùng đô thị Đông Nam Bộ. Trong lúc phát triển đường sắt đô thị cần cải tạo các hành lang đường sông như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai… phục vụ vận tải hàng hóa lẫn hành khách” – PSG Tuấn đề xuất.
Xem bài gốc ở đây