Cận cảnh bất động sản hạng sang áp đảo nguồn cung căn hộ đôi bờ sông Sài Gòn
Bất động sản hạng sang ‘bủa vây’ cầu Ba Son
Theo Bộ Xây dựng, khoảng 96% nguồn cung mới của TP.HCM trong quý 3-2023 đến từ phân khúc cao cấp và 4% nguồn cung mới còn lại thuộc phân khúc hạng sang. Trong đó, giá bán sơ cấp của thị trường căn hộ TP.HCM trong quý 3 đạt hơn 60 triệu đồng/m².
Đáng chú ý, thống kê một số dự án ven sông Sài Gòn như dự án Empire City – The Monarch tại khu đô thị mới Thủ Thiêm có giá khoảng 200 triệu đồng/m², dự án Thảo Điền Green tại (TP Thủ Đức) chào bán khoảng 100 triệu đồng/m².
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ Online, các dự án đang phát triển ở đôi bờ sông Sài Gòn khu vực quận 1 và TP Thủ Đức cũng đang được rao bán với giá trên 100 triệu đồng/m², có dự án giá 290 – 400 triệu đồng/m².
Không chỉ căn hộ, các tòa cao ốc văn phòng mới được phát triển hai bờ sông Sài Gòn khu vực trung tâm cũng thuộc phân khúc hạng A. Trong đó, khu đô thị mới Thủ Thiêm chiếm lĩnh nguồn cung mới tại TP.HCM trong quý 3, với 90% thị phần từ hai dự án hạng A nằm ngay chân cầu Ba Son.
Báo cáo về thị trường căn hộ tại TP.HCM của các công ty nghiên cứu thị trường bất động sản đều cho ra mẫu số chung đó là thời gian qua, thị trường TP.HCM tiếp tục lệch pha cung cầu khi số lượng căn hộ hạng A và B chiếm hầu hết nguồn cung căn hộ chào bán.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng cung cầu của thị trường bất động sản hiện đang mất cân đối rất lớn, khi nguồn cung chủ yếu ở phân khúc trung cấp và cao cấp, còn phân khúc phục vụ cho người dân có thu nhập thấp lại hạn chế.
Ít dự án triển khai, giá căn hộ leo thang
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Paul Tostevin – giám đốc nghiên cứu toàn cầu của Savills – cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam đang có quá nhiều sản phẩm hạng A và B, trong khi các sản phẩm hạng C với mức giá phù hợp đại đa số người dân lại khan hiếm.
Theo ông Paul Tostevin, các nhà phát triển bất động sản nước ngoài thường tập trung phát triển sản phẩm cao cấp hơn để phù hợp với thương hiệu của mình khi đầu tư vào Việt Nam.
Lý giải về nghịch lý mất cân đối phân khúc, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng do nhiều dự án bất động sản ở TP.HCM vướng mắc pháp lý, chưa hoàn thành các thủ tục nên không thể phát triển, mở bán, tăng nguồn cung. Vì vậy các dự án đang phát triển là dự án có đầy đủ pháp lý, “độc chiếm” thị trường và hướng đến phân khúc trung và cao cấp.
Thậm chí, nhiều dự án còn “nâng hạng”, giới thiệu là sản phẩm cao cấp. Do đó, để giải quyết nguồn cung, cần khơi thông các vướng mắc về pháp lý để các chủ đầu tư tăng phát triển các dự án.
Tương tự, đại diện một tập đoàn bất động sản tại TP.HCM cho rằng với doanh nghiệp địa ốc, điều quan trọng là có hàng để bán, thu về dòng tiền. Tuy nhiên, hiện các dự án ở phân khúc vừa túi tiền đang gặp khó trong hoàn thiện các thủ tục đầu tư nên doanh nghiệp chưa thể huy động vốn, bán hàng khiến nguồn cung hữu hạn, giá căn hộ ngay cả phân khúc tầm trung cũng đội lên.
Không có căn hộ nào thuộc phân khúc bình dân mở bán ở TP.HCM
Theo ông Trần Hoàng Quân – giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, 9 tháng đầu năm 2023, tại TP.HCM đã có 15 dự án nhà ở thương mại được xác nhận đủ điều kiện để bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với 15.020 căn được đưa ra thị trường. Trong đó, có 13.767 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng.
Đáng chú ý, trong số các dự án kể trên, phân khúc cao cấp chiếm 9.969 căn và phân khúc trung cấp 5.051 căn, nhưng không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân.
Xem bài gốc ở đây