Bốn quả trứng vích ‘đổi’ hai năm tù và hơn một tỉ đồng: Quy định xử phạt ra sao?
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, TAND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa xét xử vụ án mua bán, tàng trữ và vận chuyển bốn quả trứng vích.
Theo đó hai bị cáo cùng trú tại Côn Đảo là Lương Kiều Tính (sinh 1980) lãnh 1 năm tù và Phạm Anh Tuấn (sinh 1997, tài xế taxi), bên bán, lãnh 1 năm tù nhưng được hưởng án treo.
Còn hai nữ du khách là Đỗ Thị Lệ Hoa (sinh 1975, trú thị trấn Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) bị phạt 500 triệu đồng và Lê Thị Chi (sinh 1992, trú Q.Hoàng Mai, Hà Nội – con dâu bị cáo Hoa) bị phạt 550 triệu đồng.
Không biết mà bỏ cả triệu đồng để mua bốn quả trứng thì chịu!
Nhiều bạn đọc có ý kiến khác nhau về vụ việc trên.
Bạn đọc Ngọc Vinh chia sẻ: “Nếu không đọc bài báo, tôi cũng không biết luật quy định về việc này. Như vậy nếu ra đảo tôi cũng có thể vô tình phạm tội, làm cách nào phổ biến cho mọi du khách biết về việc này mà tránh?”.
Chung nỗi băn khoăn, tài khoản mang ghi tên Độc Giả ý kiến: “Làm cách nào tuyên truyền rộng rãi cho người dân và du khách hiểu và chấp hành luật. Chứ tôi cũng không biết trứng vích là gì, lỡ vô tình phạm tội thì sao?”.
Còn theo bạn đọc Huong Vu, “tại các sân bay nên dán quy định cấm vận chuyển, tiêu thụ trứng và sản phẩm khác của các loài động vật hoang dã, liệt kê cụ thể tên các loài vì có thể nhiều người dân không biết các quy định này”.
Phản bác lại, bạn đọc Quang Huy có ý kiến: “Không hiểu bổ béo được bao nhiêu mà bỏ tiền ra hưởng thụ thứ bị cấm! Nếu thứ gì đó được phép mua bán thì họ đã không phải lén lút như vậy nên không thể nói không biết. Thật đáng tiếc khi để bị phạt tiền tỉ như vậy”.
“Chính quyền Côn Đảo và Vườn quốc gia Côn Đảo đã và đang tuyên truyền mạnh mẽ việc này lâu nay rồi. Bản án hơi nặng nhưng đó là sự thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật”, độc giả Nguyễn Khắc Pho đồng tình.
“Có người bảo không biết trứng vích là gì, mà bỏ ra cả triệu đồng mua vài quả trứng thì chịu. Rùa biển là động vật quý hiếm sắp tuyệt chủng, chứ có ngon bổ béo gì đâu mà lén lút mua ăn”, bạn đọc Nam cũng lên tiếng.
“Không chỉ trứng vích mà bất cứ ai bắt, giết động vật quý hiếm đều cần phải trừng phạt thật nghiêm minh, nhất là những người mua – bán – ăn thịt rừng, thịt động hoang dã”, tài khoản TTT đề nghị.
Mức phạt cao nhất đến 2 tỉ đồng hoặc 5 năm tù
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết động vật họ vích (Cheloniidae) gồm các loại rùa biển đầu to (Quản đông), vích (Chelonia mydas), đồi mồi, đồi mồi dứa thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được quy định tại Nghị định 64/2019/NĐ-CP.
Quy định tại khoản 6 điều 2 Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật hình sự: Sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật (thịt, trứng, sữa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, chân, móng…).
Động vật thủy sản đã qua sơ chế, chế biến ở dạng nguyên con; vật phẩm có thành phần từ các bộ phận của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã qua chế biến (cao nấu từ xương động vật hoang dã; túi xách, ví, dây thắt lưng làm từ da động vật hoang dã).
Theo điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm thì người có hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép trứng vích có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm (áp dụng cho trường hợp hợp phạt tù).
Việc buôn bán trứng vích sẽ bị xử lý theo luật đã quy định cụ thể như trên. Trong thực tế tòa án cũng đã xét xử nhiều vụ án hình sự liên quan tội phạm này.
Do đó, qua vụ việc này các cơ quan chức năng cần tuyên truyền nhiều hơn nữa đến người dân không mua bán, vận chuyển cá thể, bộ phận, trứng và các sản phẩm khác của vích.
Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ có các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ vích, rùa biển, người dân nhanh chóng báo cáo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền như công an, bộ đội biên phòng, UBND các cấp, ban quản lý vườn quốc gia, các cơ quan chuyên môn về thủy sản…
Tự mỗi người dân cũng phải tìm hiểu quy định pháp luật, cách thức bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Tuyệt đối không tiêu thụ thịt, trứng vích, rùa biển, đồi mồi…
Xem bài gốc ở đây