Biệt thự trái phép ở Phú Quốc: Vì sao gần một năm vẫn còn sừng sững?
Phóng viên Tuổi Trẻ đã trở lại vị trí 79 căn biệt thự xây dựng trái phép tại xã Dương Tơ và các khu bungalow tại xã Hàm Ninh, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Hiện trạng cho thấy việc tháo dỡ chưa xong.
Nơi dỡ nơi chưa
Tại khu 79 căn biệt thự trái phép ở xã Dương Tơ, các căn biệt thự được xây dựng khang trang, sạch đẹp trên khoảng đất rộng gần 19ha do Nhà nước quản lý.
Sau khi UBND TP Phú Quốc cưỡng chế, tháo dỡ hai căn biệt thự của ông Vũ Đình Khánh (diện tích 500,9m2) và ông Lê Xuân Hồng (diện tích 502,3m2) vào ngày 19-11-2022, đến nay số biệt thự còn lại vẫn sừng sững ở đó. Có căn còn giữ nguyên, có căn đã bị tháo dỡ, đất đá còn vương vãi, cỏ dại cũng mọc xanh, hoang vắng, im lìm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang: sẽ cưỡng chế 79 căn biệt thự ở Phú Quốc, không sót căn nào
“Công trình xây dựng trái phép rất nhiều nhưng các công trình lớn rất khó xử lý. Chính quyền để người dân tự tháo dỡ. Có công trình khách sạn 12 tầng ở phường Dương Đông cũng xây dựng trái phép, bị xử phạt vài chục triệu đồng nhưng đến nay cũng im ru” – ông D., người dân ngụ phường An Thới, TP Phú Quốc, ngán ngẩm nói.
Chính quyền địa phương cũng đã công bố cưỡng chế tháo dỡ khoảng 14 căn bungalow nằm trên biển ở ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh (tính từ ngày 31-10-2022 đến 20-3-2023). Những công trình bị cưỡng chế tháo dỡ còn lại nhiều trụ đá và đường dẫn từ bờ ra biển.
“Lúc trước có mấy cái bungalow này, người ta nghỉ dưỡng nhiều và buôn bán được lắm. Sau khi chính quyền tháo dỡ thì vắng khách. Kế bên cũng có những bungalow chưa tháo dỡ vẫn còn khách đông” – chị H., một người dân địa phương, nói.
Đến thời điểm này, còn khoảng chín căn bungalow chưa được tháo dỡ vẫn còn tiếp nhận khách đến nghỉ dưỡng dài ngày.
Chờ củng cố thêm hồ sơ
Ông Nguyễn Văn Tiệp – giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc – cho hay đơn vị phối hợp với chính quyền xã Hàm Ninh và UBND TP Phú Quốc tháo dỡ những công trình xây dựng trái phép trong các khu vực bảo tồn biển.
“Đến nay có một số bungalow trái phép đã bị cưỡng chế tháo dỡ, số còn lại chưa thực hiện. Việc cưỡng chế tháo dỡ do địa phương thực hiện, chúng tôi chỉ hỗ trợ vì chúng tôi không phải là thành viên của đoàn cưỡng chế”, ông Tiệp nói.
Theo ông Tiệp, trước đây khu vực tại ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh có hơn sáu cơ sở xây công trình bungalow trên biển, mỗi cơ sở xây dựng từ 6 – 10 bungalow.
Ông Huỳnh Quang Hưng, chủ tịch UBND TP Phú Quốc, cho biết đối với các công trình xây dựng không phép ở Phú Quốc, địa phương đang quyết liệt làm.
Đặc biệt, 79 căn biệt thự không phép ở xã Dương Tơ, UBND TP Phú Quốc phối hợp với các đơn vị liên quan củng cố xong thêm tám hồ sơ (tám căn biệt thự) và dự kiến sẽ tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ từ tháng 9-2023.
“Quy trình xác nhận và làm thủ tục các giấy tờ có liên quan mất nhiều thời gian nên địa phương làm từng bước và rất thận trọng để tránh trường hợp sai sót. UBND TP Phú Quốc cũng quyết tâm làm để lập lại trật tự kỷ cương trong việc xây dựng và quản lý đất đai ở Phú Quốc”, ông Hưng nói.
Sẽ tháo dỡ hết, không có vùng cấm
Ông Lê Quốc Anh – phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – cho biết quan điểm của UBND tỉnh Kiên Giang sẽ tháo dỡ hết các căn biệt thự trái phép. Tuy nhiên, trong quá trình tháo dỡ vẫn còn một số thủ tục hành chính chưa đầy đủ theo quy định pháp luật.
Do đó, Kiên Giang phải làm đầy đủ hồ sơ, thủ tục xử lý vi phạm và sẽ thực hiện cưỡng chế toàn bộ 79 căn biệt thự, không sót căn nào.
“Quan điểm của tỉnh là không có vùng cấm, không có chỗ nào phải chờ đợi hay có lý do nào khác. Việc cưỡng chế phải đảm bảo quy trình, thủ tục nên phải kéo dài thời gian chứ không phải vì một lý do nào khác hết. Những sai phạm so với quy định pháp luật về mặt quản lý nhà nước cũng sẽ bị xử lý”, ông Quốc Anh nói.