Bán đất nhận tiền, sổ chuyển người khác - Tin tức Vũng Tàu

Bán đất nhận tiền, sổ chuyển người khác

 Bán đất nhận tiền, sổ chuyển người khác

Đại diện người mua đất phản ảnh đến báo Tuổi Trẻ về hành vi bán đất nhưng không giao sổ mà mang đi chuyển nhượng, thế chấp – Ảnh: TẤN LỰC

Người dân lo lắng mất ăn mất ngủ vì nguy cơ mất trắng tài sản cả đời dành dụm. Còn người bán đất chây ỳ, không chịu giao đất như thỏa thuận mà mang đi làm việc khác.

Nhận tiền người này nhưng bán đất cho người khác

Theo đơn thư gửi đến báo Tuổi Trẻ, ông Lê Ngọc H. (Quảng Ngãi) cho hay năm 2018 ký hợp đồng đặt cọc hai lô đất với bà Trần Thị Kim Chung, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, thông qua bên môi giới là Công ty CP đầu tư và phát triển đô thị Dana Homeland.

Theo đó, ông H. đồng ý đặt cọc mua hai lô đất B2-26-933 và B2-37-1295 do bà Chung sở hữu tại dự án khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside, quận Liên Chiểu. Ngay sau khi ký hợp đồng, ông H. đã thanh toán 95% giá trị hai lô đất với tổng số tiền gần 2,65 tỉ đồng, hai bên thỏa thuận thời gian công chứng chuyển nhượng vào ngày 31-7-2019.

Tuy nhiên sau khi nhận tiền, bên bán liên tục thay đổi thời gian chuyển nhượng với nhiều lý do khác nhau. Đã 5 năm trôi qua người bán vẫn chưa giao đất.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tháng 1-2021 bà Chung được chủ đầu tư giao sổ đỏ lô đất B2-26-933. Sau đó, thay vì chuyển nhượng cho người mua, bà này đã chuyển nhượng cho một doanh nghiệp địa ốc tại tỉnh Quảng Nam và hiện lô đất đang được làm tài sản thế chấp tại ngân hàng. Bà Chung cũng đã mang sổ lô đất B2-37-1295 làm tài sản thế chấp cho khoản vay tại một ngân hàng thương mại.

Ông Trần Văn Nghị (Ninh Bình) cũng hợp đồng với bà Chung để mua lô đất B2-26-942 và đã chuyển 1,32 tỉ đồng (95% giá trị lô đất) vào tháng 7-2019. Từ đó đến nay người bán vẫn cố tình không tiến hành giao đất. Đầu năm 2021, bà Chung đã nhận lô đất này từ chủ đầu tư và cũng đã chuyển nhượng cho một doanh nghiệp tại Quảng Nam. Giấy tờ hiện đã đứng tên người khác.

Tháng 7-2018, ông N.Đ.K. (trú Đà Nẵng) ký hợp đồng đặt cọc mua lô đất B2-42-1539 với giá 1,8 tỉ đồng. Dù người mua đã chuyển toàn bộ tiền giá trị lô đất nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được sang tên. 

Mới đây ông K. bàng hoàng phát hiện lô đất mình mua (đã được cơ quan chức năng cấp sổ dưới tên bà Chung vào năm 2021) đã được bà này mang đi thế chấp vay vốn tại ngân hàng.

Cơ quan chức năng đang xử lý đơn tố cáo

Theo tìm hiểu của phóng viên, không riêng ông K., ông H., mà nhiều khách hàng cũng gặp tình huống tương tự khi bà Chung tự ý mang các lô đất đã ký bán cho người dân đi thế chấp tại ngân hàng hoặc chuyển nhượng cho bên thứ 3.

Quá bức xúc, người dân đã có đơn tố cáo tập thể tới các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng. Tổng số tiền mua đất nhóm đã chuyển cho bà Chung lên tới hơn 64 tỉ đồng, người mua từ khắp nơi trên cả nước.

Việc người bán cố tình chây ỳ nghĩa vụ khiến nhiều gia đình lâm cảnh khó khăn, lục đục. Họ lo lắng có nguy cơ mất trắng khi tài sản đã bị đem đi chuyển nhượng, thế chấp.

Được biết, sau khi tiếp nhận tố giác, văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Đà Nẵng đã chuyển 13 đơn tố cáo của người dân sang Phòng Cảnh sát kinh tế thụ lý giải quyết.

Theo tìm hiểu, hiện cơ quan này đang tiếp nhận, xử lý các đơn tố cáo, một số người đứng đơn đã được mời làm việc, cung cấp thông tin. Phóng viên đã liên hệ bà Chung để tìm hiểu sự việc nhưng không được phản hồi.

Cần tố giác với cơ quan chức năng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Lê Minh Hương, Đoàn luật sư TP.HCM, cho hay các giao dịch đặt cọc, giữ chỗ nhận tiền bán đất phải đảm bảo điều kiện được huy động vốn theo pháp luật về kinh doanh bất động sản. Hiện nay, nhiều giao dịch mang tính chất tự nguyện thỏa thuận của các bên, nếu các bên thực hiện đúng cam kết thì đó đơn thuần là giao dịch dân sự, tranh chấp dân sự về hợp đồng giữa các bên.

Tuy nhiên, nếu một trong các bên có các hành vi, thủ đoạn gian dối để lừa dối khách hàng, hoặc sau khi ký hợp đồng, thu tiền rồi dùng các thủ đoạn gian dối khác để chiếm đoạt tài sản thì có thể vi phạm pháp luật hình sự.

Cần điều tra làm rõ thời điểm thế chấp, chuyển nhượng, thời điểm nhận tiền… để xem có dấu hiệu của các tội danh liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 hoặc liên quan đến tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 Bộ luật Hình sự.

Trong các trường hợp này, trên cơ sở hợp đồng đã ký, chứng cứ chuyển tiền, người mua cần yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết quyền lợi của mình sớm nhất. Nếu xác định có âm mưu, thủ đoạn gian dối, có hành vi sử dụng tiền trái luật thì có thể tố giác các hành vi vi phạm tới các cơ quan điều tra.

Nếu là sự bất tín trong giao dịch dân sự thì cần khởi kiện đến tòa án để sớm có bản án và thi hành án sớm khi còn tài sản để thi hành.

Tin tức Vũng Tàu

https://tintucvungtau.com

0 Reviews

Write a Review

Tin bài liên quan