Bà Rịa-Vũng Tàu: Đa dạng hóa hình thức quảng bá, xúc tiến du lịch
Để du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển bền vững, khẳng định là điểm đến hấp dẫn thu hút khách trong nước và quốc tế, cần tuyên truyền, quảng bá sâu rộng trên các phương tiện truyền thông trong nước và thế giới nhằm định vị thương hiệu du lịch và thu hút du khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Robert Taylor, chủ Bảo tàng vũ khí cổ (bìa phải) giới thiệu bộ sưu tập vũ khí với đại diện các doanh nghiệp lữ hành Ấn Độ. |
Việc truyền thông và quảng bá xúc tiến du lịch cũng nhằm xây dựng thương hiệu du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu với tiêu chí an toàn, thân thiện và hấp dẫn với sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt. Các hoạt động truyền thông, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của du lịch, những sản phẩm du lịch đặc trưng giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư, du khách dễ dàng nhận biết trên các phương tiện thông tin, diễn đàn, các sự kiện trong và ngoài nước. Điều này giúp khai thác có hiệu quả các thị trường mục tiêu và mở rộng các thị trường tiềm năng, gia tăng lượng khách du lịch, gia tăng chi tiêu và thời gian lưu trú, nâng cao ý thức của người dân về giữ gìn và bảo vệ môi trường du lịch, văn hóa ứng xử với khách du lịch, cũng như tạo sự xuyên suốt, liên tục và có hệ thống trong việc thực hiện các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch qua các năm nhằm định vị và duy trì thương hiệu du lịch một cách lâu dài.
Du khách tắm biển tại Bãi Sau, TP.Vũng Tàu (Ảnh: Nguyễn Phi Hùng) |
Định hướng mang tầm quốc gia đến năm 2030
Quý I/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 (theo Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL ngày 2/3/2023) với mục tiêu nhằm quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Về định vị thương hiệu điểm đến du lịch quốc gia, chiến lược chỉ rõ tiếp tục làm nổi bật giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch Việt Nam gắn với tiềm năng, lợi thế quốc gia, bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc sắc, di sản lâu đời, con người nồng hậu, cảnh quan tươi đẹp, kết nối với yếu tố cảm xúc, tinh thần của khách du lịch, đảm bảo đem lại các trải nghiệm du lịch độc đáo, nguyên bản, chân thực.
Bên cạnh đó, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống thương hiệu, gắn thương hiệu du lịch Việt Nam với thương hiệu du lịch vùng, thương hiệu điểm đến địa phương, thương hiệu sản phẩm du lịch; đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống thương hiệu.
Chiến lược đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó đáng chú ý là đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức truyền thông marketing phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của từng thị trường, từng giai đoạn, kết hợp hiệu quả giữa các hình thức quảng bá truyền thống và hiện đại.
Đại diện các doanh nghiệp lữ hành Ấn Độ chụp ảnh lưu niệm tại Tượng Chúa Kito trên núi Tao Phùng. |
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu
Thực tế hiện nay, du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu chưa được khách quốc tế biết đến nhiều, lượng khách quốc tế trong tổng lượng khách đến tỉnh hàng năm còn ít, chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Để phát triển, ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Marketing Du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu tập trung nâng cao sự nhận biết, sự quan tâm và sự hài lòng về sản phẩm du lịch của du khách trong và ngoài nước để tăng cường liên kết hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch và phát triển thương hiệu du lịch riêng cho Bà Rịa-Vũng Tàu.
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh sẽ phát triển hệ thống sản phẩm du lịch theo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược phát triển du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, trong đó tập trung tiếp thị, quảng bá 5 nhóm sản phẩm du lịch: du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch đô thị và các loại hình, sản phẩm du lịch mới (du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao).
Hồ Mây Park được các doanh nghiệp lữ hành Ấn Độ đánh giá phù hợp với phân khúc gia đình nghỉ dưỡng. |
Về định hướng thị trường khách quốc tế: giai đoạn 2023-2025, duy trì thị trường khách Đông Bắc Á, ASEAN và khách chuyên gia sinh sống tại Việt Nam; kết hợp thu hút các thị trường mới nổi: Ấn Độ, các nước Trung Đông.
Giai đoạn 2026-2030, duy trì và mở rộng quy mô các thị trường truyền thống: các nước Đông Bắc Á, châu Âu, khu vực ASEAN, Bắc Mỹ, Nga, châu Đại Dương; tăng thị phần khách có khả năng chi tiêu cao; đa dạng hóa các thị trường hướng đến phát triển bền vững.
Thị trường khách du lịch nội địa: Giai đoạn 2022-2025, phục hồi và giữ vững đà tăng trưởng của thị trường khách nội địa từ các thị trường chủ lực là TP. HCM và các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ; thúc đẩy thu hút khách từ các thị trường tiềm năng (các tỉnh, thành trên cả nước).
Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường khách nội địa, đa dạng hóa các phân khúc thị trường mục tiêu gồm khách gia đình, thanh niên, giáo dục, khách doanh nghiệp, khách MICE. Tập trung thúc đẩy lượng khách có sử dụng dịch vụ lưu trú, khách đi du lịch vào mùa thấp điểm.
Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến và phát triển thị trường sẽ được thực hiện bằng nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông và tại các sự kiện của ngành, của tỉnh. Lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư với xúc tiến du lịch thông qua chương trình xúc tiến hằng năm của tỉnh, đồng thời tạo nguồn lực thông qua liên kết của các doanh nghiệp bao gồm các hãng lữ hành, cơ sở lưu trú, các hãng hàng không và các đối tác khác.
Đẩy mạnh phát triển marketing điện tử phục vụ quảng bá xúc tiến du lịch, xây dựng các ấn phẩm điện tử, tận dụng quảng bá du lịch trên các trang mạng xã hội, công cụ tra cứu du lịch, tận dụng lợi thế quảng bá của các blogger, người nổi tiếng. Thực hiện gói sách điện tử (ebook) đối với các loại ấn phẩm quảng bá, xúc tiến du lịch phục vụ tỉnh và cung cấp thông tin đến du khách bằng hình thức quét mã QR.
Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số: Mở rộng quy mô, tần suất, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả của các chương trình giới thiệu điểm đến Bà Rịa-Vũng Tàu, kết nối doanh nghiệp tại các thị trường nguồn, tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; Triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức truyền thông marketing phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của từng thị trường, từng giai đoạn.
Giải pháp trọng tâm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông du lịch là tăng cường chia sẻ thông tin, đối thoại, hợp tác với các doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không. Thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đơn vị báo chí truyền thông lớn trong nước và quốc tế, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, blogger du lịch, người sáng tạo nội dung. Một trong những hoạt động truyền thông nổi bật là ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đang xây dựng kế hoach quảng bá du lịch trên Kênh truyền hình CNN Quốc tế (đa nền tảng truyền thông, ứng dụng công nghệ hàng đầu để tiếp cận chính xác đối tượng mục tiêu và được nhiều khách hàng lựa chọn) nhằm định vị thương hiệu, kích cầu, thu hút khách du lịch quốc tế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương.
Thông tin về điểm đến du lịch và nội dung có liên quan vui lòng cập nhật vào website: https://ittpa.baria-vungtau.gov.vn/ của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu |
Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu