Bà cố Thị Nở ơi, cháu đã đậu vào Đại học Nông Lâm TP.HCM rồi!
Chàng trai không biết mặt cha và không rõ mẹ đang ở đâu, sống nhờ vào tình thương và ăn ngày hai bữa cơm của bà cố. Nhưng giống như tên, Tuấn Kiệt được tới trường và luôn là một học sinh giỏi giang.
Hôm Trường đại học Nông Lâm TP.HCM tiếp nhận tân sinh viên, có một nam sinh dáng người gầy còm, làn da tái mét rụt rè tìm đến phòng công tác sinh viên, hỏi xin hoãn học phí nhập học vì gia cảnh khó khăn chưa lo học phí kịp.
Đó là Nguyễn Tuấn Kiệt (lớp 12A1 Trường THPT Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), vừa trúng tuyển ngành hệ thống thông tin của trường.
Chàng trai lớn lên không biết cha và mẹ ở đâu, sống nhờ vào tình thương và ăn ngày hai bữa cơm của bà cố. Nhưng giống như tên, Tuấn Kiệt được tới trường và luôn là một học sinh giỏi giang.
Từ quốc lộ 51, rẽ vào con hẻm nhỏ ở khu phố Song Vĩnh, phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hỏi nhà bà Tư ve chai, mọi người sẽ chỉ ngay căn nhà nhỏ cũ nát, cửa nẻo dựng tôn tạm bợ, nằm lọt thỏm dưới nền đường gần nửa mét.
Mấy chục năm qua, ngày nào bà Tư cũng dãi dầu mưa nắng, đạp xe hàng chục cây số khắp hang cùng ngõ hẻm Phú Mỹ, Bà Rịa mua bán ve chai.
Trước đây, sáng ra bà Tư phải gửi Kiệt cho người quen, hàng xóm để lóc cóc đi mua ve chai, trưa đón về. Đến lúc đứa chắt đi học, sáng bà cũng chở đến trường, rồi đi mua ve chai, trưa lại đón về. Chiếc xe đạp của bà cố chở thêm nặng, chất đầy bao đồ phế liệu ngày một lớn theo tuổi đứa chắt.
“Tôi chịu cực quen rồi, ăn uống sao cũng được. Chỉ tội nghiệp thằng Kiệt tuổi ăn tuổi lớn nhưng mấy năm nay không có bữa sáng, ngày chỉ ăn hai bữa. Thấy nó gầy nhom tôi buồn lắm. Lâu lâu bán ve chai có thêm vài đồng, tôi ghé quán mua ít thịt sườn về cho nó ăn đỡ thèm nhưng thằng nhỏ nhường hết cho bà, còn dặn sau đừng mua nữa, tốn tiền.
Vậy mà nó học giỏi lắm, 12 năm học, chỉ năm lớp 1 và lớp 2 học sinh tiên tiến, từ lớp 3 đến lớp 12 đều là học sinh giỏi, dù không học thêm. Nó vừa đậu đại học tui mừng lắm”, bà Tư nói.
Đối với Kiệt, thời điểm khó khăn nhất là lúc chuyển cấp giữa bậc THCS và THPT. Hai ngã rẽ cuộc đời là học nghề và học cấp ba, cậu đã theo tiếng gọi của bản thân và quyết định học tiếp. Nhưng nỗi lo tiền đâu ăn học. Kiệt mãi trăn trở, đắn đo, suy nghĩ nhiều thứ và gần tới ngày nhập học, cậu nhắn tin cho giáo viên chủ nhiệm xin hỗ trợ. Và nhiều cánh tay của thầy cô đã chìa ra với cậu học trò nghèo.
“Lúc đó đang dịch COVID-19, tôi được các cô trong trường quyên góp mua cho chiếc điện thoại cũ để học online. Nhờ thầy cô giúp đỡ nên 3 năm THPT tôi không tốn tiền học phí và các khoản thu ở trường. Còn tiền sách vở thì tôi được nhận thưởng ở trường, phường và chùa giúp đỡ. Bà cố mưu sinh lo tiền ăn”, Kiệt chia sẻ.
Ngồi xoa bóp chân cho bà cố, Kiệt nói: “Bà cố của tôi rất giỏi và nghị lực. Người mà tôi yêu quý nhất và tự hào chính là bà cố”.
Bà Tư tên khai sinh là Nguyễn Thị Nở, người Sài Gòn. Thôi chồng từ thuở đôi mươi, bà vẫn ở vậy cùng đứa con gái duy nhất. Cuộc mưu sinh đẩy bà về Châu Thành (Đồng Nai) ở trọ lay lắt nhiều nơi, bươn chải làm đủ nghề để kiếm sống, nuôi con.
Lục lọi cái tủ cũ, bà Tư lấy sổ hộ khẩu từ xấp giấy tờ xếp gọn trong túi ni lông rồi bảo: “Bà ngoại của thằng Kiệt là con gái tôi, còn mẹ nó là cháu ngoại của tôi. Nhà tôi tính đến mẹ thằng Kiệt là ba đời, không có ai học đến nơi đến chốn. Cũng do ít chữ, cuộc đời cứ trong vòng luẩn quẩn. Mỗi thằng Kiệt học giỏi, nên khổ mấy tôi cũng cố lo cho nó ăn học, mong đời nó có ngã rẽ”.
Năm 1991, mẹ Kiệt được bà ngoại sinh ra, không biết mặt cha. Sau này, Kiệt ra đời cũng từ sai lầm ở tuổi mới lớn của mẹ. Mẹ cậu bỏ học khi chưa hết lớp 9. “Nghe nó muốn bỏ cái thai, tôi la và ngăn không cho làm vậy. Tôi nghĩ nạo phá thai mang tội. Số mình cũng ít con cái nên mới bảo nó nếu lỡ có bầu thì đẻ ra, bà nuôi”, bà Tư kể.
Căn nhà nhỏ của bà Tư từng đủ bốn nhân khẩu, nhưng hơn 15 năm nay chỉ còn bà cùng đứa chắt nương tựa nhau. Bà ngoại Kiệt phụ hồ kiếm 200.000 đồng mỗi ngày nhưng lại mê đánh đề, sạch tiền. Rồi bà rời nhà đi làm xa, hiếm khi về. Sau khi Kiệt được sinh ra vài tháng, mẹ cậu cũng bỏ nhà đi luôn.
Từ đó đến nay không biết bà ngoại và mẹ ở đâu, làm gì. Thỉnh thoảng mẹ Kiệt lướt về rồi lại đi, không ngủ lại nhà đêm nào. Mẫu tử là điều gì đó mơ hồ trong góc nghĩ của chàng trai trẻ.
“Tôi chưa từng biết mặt cha. Nhìn bạn bè được cha mẹ chăm lo, tôi luôn thèm khát và mơ ước. Người xưa dạy “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Ấy thế mà thật trớ trêu thay, bà cố vừa làm bà lại cũng vừa làm mẹ và làm thầy nuôi tôi khôn lớn đến tận bây giờ”, Kiệt tâm sự.
Hoàn cảnh gia đình bà Tư đơn chiếc, diện hộ nghèo “thâm niên” nên địa phương luôn hỗ trợ. Khi bà mua ve chai, nhiều người trong xóm thường gọi cho đồ này kia. Nhưng rồi, năm ngoái lúc bà Tư đạp xe mua ve chai đã bị xe máy đụng. Dù chỉ chấn thương phần mềm, nhưng từ đó chân yếu dần, bà ở nhà luôn đến nay.
Giọng bà bỗng chùng xuống: “Thiệt sự tôi không dám tính chuyện cho thằng Kiệt vô đại học. Bản thân tôi giờ không đi làm kiếm tiền được, nên có bảo nó học hết 12 rồi xin vô công ty nào làm. Vô đại học đâu phải chuyện dễ, học phí, tiền ăn, tiền trọ…”. Bà lấy khăn chùi dòng nước mắt trên khuôn mặt đen đúa, khắc khổ.
Mọi nguồn thu hiện không còn, hai bà cháu lay lắt qua ngày nhờ số tiền bà dành dụm bấy lâu. Cả năm nay hai bà cháu ăn nhín nhín, bữa cháo bữa cơm… “Khổ nhưng không dám mượn tiền của ai. Vì mượn lấy đâu để trả, quỵt nợ người ta đâu có được, nên phải ăn cần ở kiệm”, bà nói.
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, Kiệt đi làm thêm kiếm tiền. Cậu xin làm quán phở gần nhà từ 18h tối đến 6h sáng hôm sau, rồi sau xin làm thời vụ ở công ty dầu ăn cùng khu phố. Các công việc đều quá sức, nên đành phải nghỉ.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Diễm (giáo viên toán Trường THPT Phú Mỹ) – cho hay trong lớp 12A1, Kiệt là học trò đặc biệt. Thầy cô ở trường đều biết rõ hoàn cảnh của Kiệt nên luôn tạo điều kiện, miễn các khoản phí.
“Kiệt sống nội tâm, ít nói, song chịu khó, rất chăm học và luôn tự giác trong học tập. Điều đặc biệt, với chiếc điện thoại cũ, em thường xuyên lên mạng tìm hiểu, tải bài tập rồi tự giải toán rất siêng năng. Kiệt còn thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh. Em còn đoạt rất nhiều giải thưởng, giấy khen.
Cả trường đều tin chắc Kiệt đậu đại học, nhưng vấn đề là làm sao và có ai đó tiếp sức cho em ấy vượt qua con dốc ngặt nghèo nhất của đời mình, để đi tiếp những chặng đường còn lại của tương lai”, cô Diễm nói.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình đăng ký học bổng đã kết thúc ngày 20-9-2024. Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCMvới Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.
TRẦN HUỲNH
VÕ TÂN
23-9-2024
Xem bài gốc ở đây