Ẩm thực Trung Đông giữa lòng TP.HCM
Anh thợ thạo nghề quan sát từng mẻ bánh phồng lên dưới sức nóng của lửa, rồi nhanh tay lôi bánh ra cho vào chiếc khay gỗ đang chờ. Mỗi ngày công đoạn này được lặp lại 2-3 lần, với thành phẩm là mấy trăm chiếc bánh mì Ả Rập nóng hổi, thơm lừng phục vụ thực khách.
Phong vị Syria, Libăng
Bên trong quán, một nhóm khách người nước ngoài ngồi thưởng thức các món ăn và trò chuyện, đợi trời bớt mưa để về.
“Hôm nay mọi người thấy thức ăn thế nào?” – ông Badeh Allahma (52 tuổi), chủ quán, hỏi thăm nhóm khách và cười tươi rói khi nghe trả lời “Vẫn ngon như mọi lần”. Những vị khách này còn “khoe” họ sống gần Đầm Sen, quận Tân Phú và dù xa vậy vẫn chạy xe sang đây để ăn.
Mở cửa đã được sáu năm nay, nhà hàng Al – Sham Saigon của Badeh Allahma là nơi lui tới của không chỉ người Ả Rập mà còn là người Việt Nam và nước ngoài trót mê hương vị Trung Đông.
Ban đầu quán là một mặt bằng chỉ để được vỏn vẹn sáu cái bàn. Về sau khách đông lên, Badeh chuyển sang địa điểm mới gần đó, mở rộng công suất lên 100 khách với không gian hai tầng trang trí theo kiểu Trung Đông.
Menu của Al – Sham Saigon dễ có đến hơn trăm món mang phong vị đặc trưng của ẩm thực Syria và Libăng – quê hương của vợ chồng chủ quán với nhiều nét tương đồng trong ẩm thực.
Các món như hummus (một loại xốt làm từ đậu gà nấu chín nghiền nhuyễn trộn với xốt mè trắng tahini và gia vị) ăn kèm thịt cừu; lá nho cuộn cơm và cà chua, hành tây…; bánh falafel; salad tabbouleh; pizza zaatar (pizza xạ hương và dầu olive); sandwich thịt gà shawarma… được giới thiệu tỉ mỉ thành phần bằng tiếng Ả Rập, tiếng Việt và tiếng Anh.
Quán cũng nổi tiếng với thực đơn buffet vào mỗi chủ nhật từ 12h trưa đến tối với nhiều món ăn được bày biện đẹp mắt cùng đặc sản “cừu nướng nguyên con” lộ thiên trước quán.
Badeh cho biết ông là bếp chính, giao cho hai người cháu là Firas và Ali làm bánh và nướng thịt. Nhân viên của quán có người Việt, người Ả Rập, người Hong Kong…
Quán của Badeh bán các món ăn làm từ thịt bò, cừu, gà và các loại món chay, đặc biệt không có thịt heo vì bản thân Badeh là người Hồi giáo. Chính vì vậy, các món ăn tại Al – Sham Saigon cũng được chế biến theo tiêu chuẩn Halal của người Hồi giáo.
Phần lớn nguyên liệu dùng trong nhà hàng của Badeh gần như là “tự cung tự cấp”. Trừ thịt bò mua của người Hồi giáo ở Việt Nam thì cừu và gà Badeh tự nuôi tại trang trại của mình ở Vũng Tàu, được giết mổ theo chuẩn Halal.
Ngoài ra, ông còn có một trang trại khác ở Đà Lạt, chuyên trồng và cung cấp các loại rau củ quả. Một số loại cây ở Việt Nam không có như đậu gà, dưa leo nhỏ… thì Badeh mang giống từ Ả Rập sang trồng.
Đa số là khách Việt
Badeh cho biết khách của ông hầu hết là người sống ở TP.HCM chứ không phải du khách và hơn 60% khách đến quán là người Việt. Trong số khách của ông có người Hồi giáo nhưng cũng có người không theo đạo Hồi, tìm đến quán chỉ vì yêu thích các món ăn ở đây.
Justin Grosslight, người Mỹ, đã là khách quen của quán 3-4 năm nay, khen ngợi: “Thật sự không có nhiều lựa chọn về món ăn Trung Đông ngon mà giá cả lại phải chăng ở Việt Nam nên tôi đã đến và rất thích”.
Nguyễn Hiến Lê, một bạn trẻ ở Gò Vấp, cũng ghé quán cả chục lần, còn giới thiệu cho nhiều bạn bè và gia đình mình đến ăn vì mê món cừu nướng ở quán.
“Đa số khách đến ăn lần đầu vì lạ, muốn ăn thử cho biết. Nhiều người Việt ăn quen rồi “khoái” các món ăn ở đây, nhất là hummus. Đa số khách Việt toàn là người đã từng tới quán vài lần, nhiều bạn trẻ tầm 20 – 21 tuổi” – Khanh, một nhân viên người Việt của quán, kể.
Nói về lý do để Badeh Allahma mở nhà hàng tại Việt Nam, ông bảo mình là người rất thích nấu ăn và mong muốn giới thiệu ẩm thực quê hương đến với người Việt vì các món ăn Syria vẫn chưa quá nổi tiếng ở đây.
Ngoài kinh doanh nhà hàng, Badeh còn “chăm chỉ” tham gia các hội chợ ẩm thực hễ có dịp. Tại đó, ông hãnh diện mang món ăn mình làm đến cho khách tham quan ăn miễn phí chỉ với mong muốn người Việt biết thêm về quê hương Syria của mình.
Gần 10 năm trước, Badeh theo bạn sang làm nhà máy cà phê ở Bình Dương, rồi phải lòng Việt Nam mà ở lại đến bây giờ. Ngoài kinh doanh nhà hàng, Badeh cho biết hiện ông vẫn sản xuất máy xay cà phê rồi bán đi Dubai.
“Việt Nam đẹp, nhiều người tốt, ở Việt Nam vui”, Badeh giải thích vì sao ông thích Việt Nam. Theo ông, người Việt Nam thích người nước ngoài và không phân biệt anh đến từ nước nào, trong khi ở một số nơi người ta vẫn nghĩ người Syria không tốt.
Mâm cơm Việt ở quán Trung Đông
Quá giữa trưa, gia đình chủ quán sửa soạn ăn cơm. Trên bàn lại là… một mâm cơm Việt, có cá phi lê chiên sả, canh cải bó xôi, cơm chiên tỏi. “Hôm nay tôi là người Việt Nam”, Badeh vừa nói vừa cười.
Tính cách vui vẻ, thích Việt Nam, nói tiếng Việt khá sõi dù chưa từng học trường lớp nào, là một Badeh Allahma mà người ta có thể hình dung sau khi tiếp xúc.
Xem bài gốc ở đây